Một hội thẩm đoàn liên bang Mỹ đã chính thức truy tố thanh niên da trắng Dylann Roof với một loạt tội danh liên quan đến vụ xả súng bừa bãi vào một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở thành phố Charleston, bang Carolina Nam, khiến hàng chục người thương vong hồi tháng Sáu vừa qua.
Trong bản cáo trạng công bố ngày 22/7, Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cho biết nghi phạm Roof, 21 tuổi, bị cáo buộc 33 tội danh, trong đó có tội danh giết người và cố gắng giết người theo luật "tội ác vì hận thù" - đạo luật ngăn chặn việc sử dụng vũ lực để hãm hại một cá nhân vì lý do phân biệt chủng tộc.
Theo bà Lynch, Roof đã thừa nhận gây ra vụ thảm sát trên với mục đích khiến căng thẳng chủng tộc gia tăng cũng như nhằm trả thù cộng đồng người Mỹ gốc Phi - những người mà đối tượng tin rằng "luôn có ý định chống lại người da trắng."
Quan chức này đồng thời lên án việc sử dụng vũ lực xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc là "hành động khủng bố trong nước."
Nếu bị kết tội, nghi can Roof sẽ phải đối mặt với mức án chung thân hoặc thậm chí tử hình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lynch cho biết hiện các công tố viên vẫn chưa đưa ra quyết định về khả năng tuyên án tử hình đối với bị cáo Roof bởi điều này cần có sự tham vấn với gia đình các nạn nhân.
Trước đó, tối 17/6 vừa qua, Dylann Roof đã nổ súng vào đám đông các tín đồ tới cầu nguyện tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal - một trong những nhà thờ nổi tiếng của người Mỹ gốc Phi ở Charleston - khiến 9 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Cảnh sát cho biết khẩu súng Dylann Roof gây án là được người bố tặng nhân dịp ngày sinh nhật của cậu hồi tháng Tư vừa qua.
Theo điều tra, Roof là người có tâm lý phân biệt chủng tốc rất nặng nề, tự coi người da trắng là siêu việt. Bằng chứng là khi bị bắt, y khoác trên người một chiếc áo in cờ của chế độ Aparthai ở Nam Phi, quốc gia châu Phi từng nằm dưới sự cai trị của thiểu số người da trắng.
Vụ việc một lần nữa châm ngòi cho những tranh cãi gay gắt về nạn phân biệt chủng tộc xảy ra trên đất Mỹ trong bối cảnh người dân nước này chưa hết bàng hoàng về hàng loạt vụ cảnh sát da trắng gây ra cái chết cho người da màu.
Giới phân tích nhận định nguyên nhân thật sự phía sau những vụ việc trên xuất phát từ tư tưởng phân biệt chủng tộc quá khích của một bộ phận người dân Mỹ đối với cộng đồng người thiểu số và da màu./.