Mỹ tuyên bố sẵn sàng xem xét lại quy chế GSP dành cho Ấn Độ

Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng."
Mỹ tuyên bố sẵn sàng xem xét lại quy chế GSP dành cho Ấn Độ ảnh 1(Nguồn: The Financial Express)

Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ đưa tin giới chức Mỹ tuyên bố có thể xem xét lại việc chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), nếu phía Ấn Độ có đề xuất nghiêm túc về các vấn đề liên quan đến thương mại và tiếp cận thị trường.

Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng."

Ngày 4/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dự định chấm dứt cơ chế GSP đối với Ấn Độ.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sau đó cùng ngày đã xác nhận thông tin trên, nêu lý do Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đối với hoạt động thương mại của Mỹ.

[Quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn trước phép thử mới]

Trước đó, hồi tháng 11/2018, Mỹ đã thông báo hủy bỏ các nhượng bộ về miễn thuế đối với hơn 50 mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, chủ yếu từ các ngành thủ công và nông nghiệp.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 5/3, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (CIM) khẳng định các loại thuế quan của nước này đều nằm trong mức giới hạn theo các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Ấn Độ sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề liên quan đến thương mại.

Ngoài Ấn Độ, Mỹ cũng xem xét chấm dứt cơ chế ưu đãi đối với Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do nước này “đã phát triển đầy đủ về mặt kinh tế."

PTI dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Mỹ tự hào là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Ấn Độ, nhưng sẽ đấu tranh chống lại những quy định cản trở việc kinh doanh và tiếp cận thị trường của các công ty và các sản phẩm của Mỹ.

Theo quan chức này, Mỹ thất vọng về việc Ấn Độ không đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và hợp lý thị trường đối với hàng hóa của Mỹ, dẫn đến việc chấm dứt chương trình GSP.

Tuy nhiên, quan chức trên khẳng định "cánh cửa sẽ mở" nếu Ấn Độ có một đề nghị nghiêm túc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.