Mỹ và Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên

Phía Mỹ sẵn sàng thảo luận về tất cả những cam kết mà lãnh đạo hai nước đã đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore khi các cuộc thương lượng cấp chuyên viên với Triều Tiên được nối lại.
Mỹ và Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên ảnh 1Đại diện đặc biệt của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon. (Nguồn: Getty Images)

Đại diện đặc biệt của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon ngày 19/6 đã tái khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.

Phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, ông Biegun nêu rõ cánh cửa đàm phán  với Triều Tiên vẫn "rộng mở"và Mỹ không đặt bất cứ điều kiện nào cho việc nối lại đàm phán.

Ông Biegun cho biết thêm phía Mỹ sẵn sàng thảo luận về tất cả những cam kết mà lãnh đạo hai nước đã đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore khi các cuộc thương lượng cấp chuyên viên với Triều Tiên được nối lại.

[Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Triều Tiên]

Cũng trong sự kiện này, ông Lee Do-hoon - đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên - nhấn mạnh "đàm phán không phải là một lựa chọn mà là điều cần phải làm."

Ông Lee Do-hoon hối thúc Triều Tiên hồi đáp đề nghị của Hàn Quốc tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mới trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Seoul vào tuần tới.

Kể từ năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành 3 cuộc gặp thượng đỉnh nhằm thúc đẩy hướng tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên thông qua tiến trình phi hạt nhân hóa.

Đến nay, kế hoạch xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 vẫn chưa được cụ thể hóa do bế tắc trong quá trình đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ.

Ông Lee Do-hoon hối thúc Triều Tiên "tận dụng cơ hội" mà Seoul đưa ra, nhấn mạnh cam kết của ông Trump sẽ hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng để đổi lấy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 19/6, Bộ Tài chính Mỹ đã ra quyết định trừng phạt Viện Xã hội Tài chính Nga với cáo buộc cơ quan này đã mở hàng loạt tài khoản ngân hàng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Công nghiệp Dandong Zhongsheng có công ty chủ quản là Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên (FTB).

Theo Bộ Tài chính Mỹ, FTB và người đứng đầu ngân hàng này Han Jang Su trước đó đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ.

Với quyết định trừng phạt trên, mọi tài sản của  Dandong Zhongsheng tại Mỹ bị đóng băng và Washington cấm mọi công ty ở nước này giao dịch với Dandong Zhongsheng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay vẫn giữ lập trường duy trì và bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên để đạt được bước tiến trong tiến trình phi hạt nhân hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.