Mặc dù đã đạt được thỏa thuận hợp tác sâu rộng trong cuộc chiến chống phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại dọc biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ, Chính quyền Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác huấn luyện cho lực lượng đối lập tại Syria mà Washington cho là "ôn hòa," đặc biệt là xem xét huấn luyện cho từng đối tượng cụ thể.
Theo giới chức Washington, việc huấn luyện cho nhóm nổi dậy nào tại Syria đang là vấn đề được cân nhắc vì điều này sẽ tác động đến mục đích quân sự riêng biệt của hai bên và có thể gây căng thẳng trong quan hệ song phương. Mỹ chủ trương tránh sa lầy vào cuộc nội chiến ở Syria và chủ yếu hỗ trợ lực lượng vũ trang tại chỗ, trong đó có cộng đồng người Kurd ở nước này, để đẩy lùi IS.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại quan ngại cộng đồng người Kurd trong nước, được khích lệ từ sự lớn mạnh của người Kurd ở Iraq và Syria, sẽ đẩy mạnh nỗ lực thành lập một nhà nước độc lập.
Mâu thuẫn nữa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là trong khi Ankara đặt ưu tiên hỗ trợ phe đối lập lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì mặc dù cho rằng mặc dù ông al-Assad “đã mất tính đại diện hợp pháp” nhưng cho tới nay, Washington vẫn chưa có kế hoạch quân sự trực tiếp để hạ bệ nhân vật này.
Hiện mới có khoảng 60 tay súng nổi dậy ở Syria đang được Mỹ huấn luyện, một con số khá khiêm tốn so với ước tính ban đầu. Theo giới chức Mỹ, một số nhóm nổi dậy tại Syria sẽ không nằm trong kế hoạch huấn luyện của hai nước. Theo đánh giá của Derek Chollet, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, việc quyết định chọn nhóm đối lập nào để hỗ trợ huấn luyện là không dễ dàng.
Trước đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi các tay súng IS ra khỏi vùng đệm vừa được thiết lập dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Cái gọi là “Vùng không có IS” vừa được thiết lập để đảm bảo an ninh và sự ổn định hơn cho khu vực dọc biên giới hai nước, đồng thời để ngăn chặn các cuộc tấn công của IS và hỗ trợ người tỵ nạn.
Tuy nhiên, mọi kế hoạch hành động quân sự chung giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại không bao gồm việc áp đặt một vùng cấm bay, một bước đi Ankara đã nhiều lần đề nghị nhưng cho tới nay Mỹ vẫn chưa đáp ứng.
Bên cạnh đó, Ankara cũng đã cho phép Washington sử dụng Căn cứ Không quân Incirlik, miền Đông nước này, gần với biên giới Syria, nhằm triển khai các cuộc không kích chống lại các mục tiêu do IS chiếm giữ./.