Mỹ: Y tá gốc Việt nhiễm Ebola vì bệnh viện vi phạm quy trình điều trị

Các nguồn tin gần gũi với bệnh viện Texas Health Presbyterian xác nhận người Mỹ thứ hai chẩn đoán dương tính với virus Ebola là nữ y tá gốc Việt Nina Phạm, 26 tuổi.
Mỹ: Y tá gốc Việt nhiễm Ebola vì bệnh viện vi phạm quy trình điều trị ảnh 1Nhân viên cứu hộ làm nhiệm vụ khử trùng tại khu nhà nơi nhân viên y tế được xác nhận nhiễm virus Ebola sinh sống ở Dallas, Texas, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nguồn tin gần gũi với bệnh viện Texas Health Presbyterian ở thành phố Dallas, bang Texas ngày 13/10 xác nhận người Mỹ thứ hai chẩn đoán dương tính với virus Ebola là nữ y tá gốc Việt Nina Phạm, 26 tuổi.

Một nguyên nhân dẫn tới sự lây nhiễm này là do bệnh viện trên đã có vi phạm về thủ tục y khoa trong quá trình điều trị bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ bị tử vong hồi cuối tuần trước sau 21 ngày chữa trị.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Giám đốc các Trung tâm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC), Bác sỹ Thomas Frieden cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về lý do để xảy ra những sai sót và vi phạm quy trình chữa trị cho bệnh nhân, dẫn tới các nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm.

Nữ y tá Nina Phạm đã được cách ly từ ngày 10/10 và sức khỏe vẫn ở thể trạng ổn định. Gia đình cô cũng được các nhân viên y tế giám sát và theo dõi chặt chẽ. Cảnh sát thường trực canh gác 24/24 căn phòng từng điều trị cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan, người Liberia, bị nhiễm virus Ebola và đã tử vong tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ngày 8/10 vừa qua, đồng thời căn phòng này đang tiếp tục được tẩy độc và khử trùng.

Tuy không cho biết cụ thể, nhưng bác sỹ Frieden xác nhận rõ ràng đã có vi phạm trong quy trình chữa trị cho bệnh nhân. Bác sỹ Daniel Varga, một quan chức y tế của bang Texas, cho biết ông và các nhân viên y tế đã mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, đeo mặt nạ và tấm chắn khi chăm sóc cho bệnh nhân Duncan trong lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng kể từ khi ông này nhập viện.

Nữ y tá Nina Phạm cũng mang đầy đủ trang bị bảo vệ chống Ebola trong mọi lần tiếp xúc với bệnh nhân. Bác sỹ Frieden cam kết giới chức y tế liên bang sẽ tăng cường huấn luyện các nhân viên y tế và sẽ cố gắng giảm số người tiếp xúc trực tiếp với các ca nhiễm Ebola.

Giới chức địa phương gần bệnh viện trên đã đến gõ cửa từng nhà, gọi điện và phát tờ rơi để cố gắng trấn an dân chúng.

Nina Phạm là một trong số ít nhất 48 người đã trực tiếp hoặc gián tiếp chữa trị cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan. Cô sống ở thành phố Dallas, tốt nghiệp đại học Texas Christian University năm 2010 và làm nữ y tá chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện từ tháng 6/2010.

Ngày 13/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng cường công tác phòng chống dịch Ebola và cảnh báo rằng cả thế giới có thể đang bị đe dọa. Châu Á-Thái Bình Dương với 1,8 tỷ dân từng là điểm nóng của nhiều dịch bệnh mới như SARS và cúm gia cầm, nhưng tới nay virus Ebola chưa xuất hiện tại khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục