Chính quyền Mỹ yêu cầu Triều Tiên có các bước đi cần thiết để chấm dứt chương trình hạt nhân nêu muốn nối lại các cuộc đàm phán.
Trong bài phát biểu về chính sách của Mỹ với châu Á tại trường Đại học Georgetown ngày 20/11, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định giảm thiểu những mối đe dọa từ Triều Tiên là ưu tiên của Mỹ và rằng chính quyền Washington đã sẵn sàng cho các vòng đàm phán "thực sự và đáng tin cậy."
Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh bất cứ cuộc thảo luận nào cũng cần dẫn đến việc Triều Tiên có các bước đi cụ thể và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Theo bà, việc Bình Nhưỡng yêu cầu đối thoại trong khi vẫn tiến hành chương trình hạt nhân là "không thể chấp nhận được."
Cố vấn cấp cao của Mỹ cũng cho biết Washington sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc nhằm gia tăng áp lực đối với Triều Tiên, đồng thời cảnh báo có thể siết chặt các lệnh trừng phạt.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ cho biết nước này đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán đa phương bị đình trệ bấy lâu nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời báo giới sau cuộc gặp Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Glyn Davies đang ở thăm Bắc Kinh, ông Vũ Đại Vĩ cho rằng "còn quá sớm để dự đoán về tương lai."
Khi được hỏi liệu Bình Nhưỡng đã thay đổi quan điểm ngoại giao hay chưa, ông Vũ Đại Vĩ chỉ đáp "mỗi bên có quan điểm khác nhau."
Trong khi đó, ông Davies nói rằng ông đã có cuộc thảo luận hữu ích với ông Vũ Đại Vĩ, đồng thời cho biết thêm cũng sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong ngày 21/11.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục là điểm nóng trong chính sách đối ngoại với châu Á của Mỹ. Gần đây nhiều hoạt động ngoại giao được đẩy mạnh nhằm sớm nối lại đàm phán 6 bên, trong đó có chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc Vũ Đại Vĩ tới Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc, hội nghị ba bên giữa các đặc phái viên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington, chuyến công du tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản của quan chức Mỹ...
Tuy nhiên, một số thông tin gần đây lại cho thấy Triều Tiên đang tăng cường hoạt động của các cơ sở hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin (Kim Quan Chin) ngày 20/11 cảnh báo chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đạt đến khả năng chế tạo bom hạt nhân với thành phần cơ bản là urani.
Kể từ năm 2006, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân, trong đó hai vụ thử đầu tiên được cho là sử dụng plutoni và chưa rõ vật liệu hạt nhân sử dụng trong vụ thử thứ ba hồi tháng Hai vừa qua./.