Theo AFP, quan chức Bộ Ngoại giao Myanmar tham dự hội nghị về khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan Htin Lynn ngày 29/5 đã chỉ trích việc Trợ lý cao ủy về bảo vệ người tị nạn thuộc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Volker Turk kêu gọi Nay Pyi Taw công nhận tộc người thiểu số Hồi giáo Rohingya là công dân của Myanmar để giải quyết vấn đề di cư của tộc người này từ bờ biển Myanmar.
Ông Htin Lynn nêu rõ: "Về vấn đề thuyền nhân di cư bất hợp pháp thì không thể đổ lỗi cho một mình đất nước của chúng tôi". Đại diện Myanmar còn cho rằng phát biểu của ông Turk là hành động "chính trị hóa" vấn đề di cư, đồng thời nhấn mạnh "có một số vấn đề" mang tính nội bộ. Đây là sự phản ứng cứng rắn của Myanmar trước việc UNHCR kêu gọi giải quyết tận gốc các căn nguyên của cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra.
Myanmar phủ nhận quyền công dân của 1,3 triệu người Rohingya và không công nhận họ là một trong những tộc người thiểu số chính thức của nước này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, Myanmar và Bangladesh, hai điểm khởi hành của hàng nghìn thuyền nhân, đã nhất trí giải quyết "các nguyên nhân gốc rễ" của cuộc khủng hoảng di cư tại một hội nghị quốc tế được tổ chức tại thủ đô Bangkok.
Bí thư thường trực bộ trên Norachit Sinhaseni cho hay toàn bộ 17 quốc gia tham gia hội nghị đã nhất trí với một văn kiện, trong đó có cam kết "giải quyết các yếu tố trong những phạm vi nguồn gốc gây di cư."
Trong khi đó, trên trang Facebook riêng cùng ngày, Bộ Thông tin Myanmar thông báo hải quân nước này đã phát hiện 727 người bị nhồi nhét trên một tàu đánh cá trong vùng biển của họ. Bộ này cho hay những người di cư, phần lớn là người "Bengali" đã được đưa đến một hòn đảo. Phía Myanmar không thừa nhận người Rohingya là một nhóm dân tộc thiểu số mà giới chức nước này thường gọi họ là người Bengali./.