Bangladesh và Myanmar đã chấp nhận vai trò trung gian của Trung Quốc và đồng ý thực hiện một giải pháp ba giai đoạn do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Rakhine.
Ngày 20/11, phóng viên TTXVN tại Nam Á cho biết Bộ trưởng Vương Nghị đã đề xuất sáng kiến ba giai đoạn để giải quyết cuộc khủng hoảng Royhingya và sáng kiến này đã nhận được sự chấp thuận của Bangladesh và Myanmar. Bắc Kinh hy vọng nó sẽ giải quyết vấn đề và góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, Bangladesh và Myanmar đã tiến hành các cuộc thương lượng song phương.
Trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tại thủ đô Dhaka hôm 18/11 và gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Myanmar một ngày sau đó. Tại cuộc họp báo chung với Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi ở thủ đô Nay Pyi Taw ngày 19/11, ông Vương Nghị đã đề xuất biện pháp ba giai đoạn cho vấn đề này, gồm giai đoạn một là đạt thỏa thuận ngừng bắn để người dân địa phương không phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn; trong giai đoạn 2, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Myanmar và Bangladesh duy trì đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi; và giai đoạn 3 là tìm kiếm một giải pháp lâu dài.
[Trung Quốc đề xuất kế hoạch 3 giai đoạn cho vấn đề Rohingya]
Cùng ngày, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Frederica Mogherini, Ngoại trưởng Vương Nghị đã kêu gọi tạo ra một bầu không khí tích cực nhằm giải quyết vấn đề Rakhine tại Myanmar. Theo ông, vấn đề tại bang Rakhine của Myanmar là một vấn đề phức tạp liên quan đến lịch sử và khó có thể giải quyết chỉ trong một động thái.
Ngoại trưởng Vương Nghị khuyến khích Myanmar và Bangladesh giải quyết vấn đề thông qua tham vấn, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế tạo bầu không khí tốt cho những nỗ lực này, thay vì khiến vấn đề này trở nên phức tạp hơn hoặc lan rộng. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhận định vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khuyến khích hai nước đạt được thỏa thuận về việc hồi hương người tị nạn chạy sang Bangladesh từ Myanmar và thực thi thỏa thuận này. Ông khẳng định với tư cách là người bạn tốt của hai quốc gia này, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong vấn đề này.
Về phần mình, hai nhà ngoại giao cấp cao của EU đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà Trung Quốc đã đạt được thông qua việc làm trung gian ngoại giao. Bà Mogherini nhấn mạnh EU không có ý định thúc đẩy một giải pháp thông qua việc tăng cường áp lực hoặc áp đặt trừng phạt, đồng thời bày tỏ hy vọng Bangladesh và Myanmar có thể ký một thỏa thuận về hồi hương người tị nạn sớm nhất có thể. Quan chức EU này bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận theo mong muốn từ hai nước, cũng như duy trì liên lạc và phối hợp với Trung Quốc trong vấn đề bang Rakhine./.