Tờ Straits Times (Singapore) vừa có bài bình luận thể hiện quan điểm của tờ báo này đối với việc Myanmar vắng mặt tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 và các hội nghị liên quan vừa qua.
Theo bài viết, sự vắng mặt của Myanmar tại Hội nghị cấp cao ASEAN mới đây, vốn là kết quả của việc khối ASEAN không sẵn lòng chấp nhận một thái độ thiếu hợp tác kéo dài của chính quyền quân sự cầm quyền tại Myanmar, đã đe dọa làm lu mờ các vấn đề khác tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do nước Chủ tịch Brunei tổ chức.
Những vấn đề này bao gồm các quyết định quan trọng về việc chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 của khu vực, về tương lai kỹ thuật số của cộng đồng ASEAN, về các cam kết thương mại và kinh tế, bao gồm cả việc bổ sung Vương quốc Anh làm đối tác đối thoại mới - và nhiều các vấn đề khác nữa. Một số người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất là một lần, vấn đề Biển Đông đã không chi phối hoặc làm đổ vỡ các cuộc họp, như đã từng xảy ra vào năm 2012.
Tờ Straits Times nhận định rằng tại Thượng đỉnh Đông Á năm nay, diễn đàn nơi các lãnh đạo c cùng ngồi với các đối tác đến từ các quốc gia đối tác đối thoại chủ chốt, bầu không khí đã trở nên “ấm cúng” hơn nhiều so với các hội nghị thượng định gần đây. Mỹ đã tham dự Thượng đỉnh Đông Á ở cấp cao nhất sau 4 năm vắng mặt, với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mặc dù giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn một số tranh cãi, chẳng hạn như xung quanh vấn đề cung cấp và phân phối vaccine ngừa COVID-19, bầu không khí nhìn chung vẫn khá thân thiện. Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc có cùng một “giọng điệu” mang tính xây dựng về các vấn đề như hợp tác y tế công cộng, đối phó với biến đổi khí hậu và thậm chí còn cùng bảo trợ cho một tuyên bố về sự phục hồi bền vững. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đã nhận được sự ủng hộ vững chắc và mạnh mẽ.
[Cuộc khủng hoảng Myanmar - Gánh nặng đường xa của ASEAN]
Đây là một cuộc họp có nhiều ý nghĩa, cuộc họp mà Myanmar và lãnh đạo lực lượng quân đội Myanmar Min Aung Hlaing sẽ phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ. Vị trí “bị bỏ trống” của Myanmar trên màn hình cuộc họp hoàn toàn là do hành vi của lực lượng quân đội Myanmar gây ra.
Sau khi đã đồng ý với ASEAN về việc ngừng bạo lực và thực hiện kiềm chế, cũng như cho phép đặc phái viên của ASEAN đến Myanmar để giúp tạo điều kiện đối thoại và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng do cuộc đảo chính hồi tháng Hai gây ra, các tướng lĩnh Myanmar lại từ chối thực hiện cam kết của họ.
Và ngay cả khi Myanmar phải hứng chịu và vật lộn với đại dịch COVID-19, dịch bệnh khiến tình hình kinh tế của quốc gia này trở nên tồi tệ hơn, lực lượng quân đội Myanmar vẫn kiên quyết không chịu nhượng bộ. Trên thực tế, hành động đàn áp của quân đội trở nên tồi tệ hơn và đặc phái viên ASEAN cho đến nay vẫn chưa thể đến nước này.
Myanmar đã có cơ hội lớn để cùng hợp tác với các nước, tham gia hội nghị ASEAN, và nước này lẽ ra có thể cử một quan chức dân sự cấp cao đại diện tham gia hội nghị. Tuy nhiên, cuối cùng hội nghị thượng đỉnh ASEAN vẫn diễn ra mà không có sự hiện diện của Myanmar.
Theo Straits Times, sẽ là thảm kịch nếu chính quyền quân sự Myanmar tiếp tục đánh giá sai tinh thần và quyết tâm của ASEAN, hoặc tin rằng áp lực sẽ giảm bớt khi Campuchia tiếp nhận ghế Chủ tịch ASEAN vào năm sau. Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đã nói rằng Myanmar vẫn là một phần của "gia đình" ASEAN và tư cách thành viên của nước này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, tuyên bố của Chủ tịch ASEAN đã nói rõ rằng việc quay trở lại trạng thái bình thường phải phù hợp với "ý chí của người dân Myanmar." ASEAN vẫn đang nhìn về phía trước và giữ vững ý định thúc đẩy khu vực phát triển.
Myanmar, quốc gia thành viên đang tụt hậu xa hơn, cũng nên như vậy. Myanmar có thể tự giúp mình bằng cách thực hiện các biện pháp đã nhất trí với ASEAN. Làm được điều này sẽ là một bước tích cực cho “sự phục hồi” về chính trị và kinh tế của Myanmar./.