Ngày 21/6, người phát ngôn Phủ Tổng thống Myanmar, ông Zaw Htay nói rằng Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nên ủng hộ tiến trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar, thay vì chĩa mùi dùi vào các vi phạm nhân quyền của chính quyền tiền nhiệm.
Ông Zaw Htay, người đã giữ vị trí này từ thời chính phủ của Tổng thống Thein Sein tiền nhiệm, đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 20/6 đã công bố một báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền “có thể cấu thành các tội ác chống lại loài người” đối với cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại Myanmar.
Báo cáo kêu gọi Myanmar tiến hành một cuộc điều tra độc lập về tất cả những vi phạm nêu trên và điều tra toàn diện về tình hình người dân tộc thiểu số tại quốc gia Đông Nam Á này.
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc Yanghee Lee đang có mặt ở Myanmar trong chuyến thăm kéo dài 12 ngày.
Cộng đồng người Hồi giáo khoảng 1,1 triệu người đang chịu sự phân biệt đối xử rất nghiêm trọng này tự gọi họ là người Rohingya trong khi nhà chức trách Myanmar cho tới nay vẫn gọi họ là người Bengali, với hàm ý họ là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.
Vẫn còn hơn 100.000 người Rohingya đang phải sống ở trong các trại tạm cư ở bang Arakan, sau làn sóng bạo lực nhằm vào người Hồi giáo trong những năm 2012 và 2013. Những người này bị hạn chế đi lại, không được công nhận quyền công dân và không được chăm sóc ý tế, giáo dục. Tình cảnh khó khăn này đã khiến nhiều người Rohingya rời bỏ Myanmar để rồi rơi vào tay bọn buôn người ở Malaysia hay Thái Lan./.