Myanmar thông báo trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị

Lệnh trả tự do có hiệu lực đối với những người bị kết án tù hoặc chịu các cáo buộc về các tội liên quan đến lập hội bất hợp pháp, phản bội, chỉ trích chính phủ.
Myanmar thông báo trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị ảnh 1Một số tù nhân chính trị được thả rời nhà tù Mandalay ở Myanmar ngày 15/11. (Nguồn: AFP)

Chính phủ Myanmar ngày 31/12 thông báo trả tự do cho tất cả số tù nhân chính trị hiện còn bị giam giữ tại quốc gia này trước cuối giờ chiều ngày hôm nay trong một nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định tình hình đất nước, duy trì hòa bình và củng cố đoàn kết dân tộc.

Theo Văn phòng Tổng thống Myanmar, lệnh trả tự do có hiệu lực đối với những người bị kết án tù hoặc chịu các cáo buộc về các tội liên quan đến lập hội bất hợp pháp, phản bội, chỉ trích chính phủ và vi phạm luật biểu tình hòa bình.

Lệnh ân xá trên cũng yêu cầu ngừng mọi phiên tòa và các cuộc điều tra đang tiến hành liên quan tới các cáo buộc về các tội danh tương tự nêu trên.

Theo kênh truyền hình nhà nước MRTV, số lượng người được trả tự do trong đợt ân xá này không được công bố chi tiết, song một cơ quan trực thuộc chính phủ cho biết sẽ có khoảng 230 người được trả tự do.

Kể từ khi chính quyền dân sự ở Myanmar lên cầm quyền năm 2011, nhiều đợt ân xá, trả tự do cho các tù nhân chính trị được chính phủ thực hiện trong nỗ lực nhằm đạt được những tiến bộ về chính trị và thực hiện cam kết tiến hành cải cách đất nước sâu rộng.

Trong chuyến thăm Anh hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã cam kết từ sau năm 2013, Myanmar sẽ không còn tù nhân chính trị bị giam giữ.

Cùng ngày, đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền ở Myanmar đã đề nghị sửa đổi 73 điều và hủy bỏ 21 điều trong Hiến pháp năm 2008 trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp kéo dài ba ngày của Ủy ban Trung ương USDP, bao gồm đề xuất sửa đổi Mục 59-f trong Hiến pháp vốn được đưa ra nhằm ngăn cản thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống.

Việc sửa đổi sẽ mở đường cho bà San Suu Kyi đủ tư cách pháp nhân để tham gia tranh cử tổng thống, theo đó cho phép hai con trai bà được cấp quốc tịch Myanmar vì chồng bà, một học giả người Anh, đã qua đời.

Ngoài ra, USDP cũng đề xuất điều khoản quy định việc sửa đổi hiến pháp chỉ có thể được thực hiện khi hội đủ 75% số phiếu ủng hộ trong quốc hội. USDP sẽ đệ trình đề xuất sửa đổi này lên Ủy ban Chung về soạn thảo hiến pháp của quốc hội trong ngày hôm nay.

Trước đó, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà San Suu Kyi tuyên bố NLD sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2015 bất chấp việc Hiến pháp 2008 có được sửa đổi hay không./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục