Theo eurasiareview.com, tại diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai vào tháng 4 năm ngoái, Tập Cận Bình đã tuyên bố các dự án cơ sợ hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) sẽ bền vững về mặt tài chính, môi trường và cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Việc hiệu chỉnh sáng kiến nhằm mục đích ngăn chặn sự gia tăng những lời chỉ trích đối với sáng kiến chính sách đối ngoại hàng đầu này của Trung Quốc trong hai năm qua.
Myanmar nằm trong số những quốc gia đã trở nên cảnh giác với câu chuyện bẫy nợ, những báo cáo thật về các tiêu chuẩn kém trong cơ sở hạ tầng và các hoạt động thu mua hàng hóa mờ ám và lãng phí, không phù hợp với các công ty Trung Quốc.
Trở lại quỹ đạo?
Tuy nhiên, vào ngày 18/1 vừa qua, các dự án BRI ở Myanmar dường như đã trở lại đúng hướng như Tập Cận Bình mong muốn trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Myanmar, và bà Aung San Suu Kyi tuyên bố hai nước đã xem xét lại cam kết hợp tác.
Tuy nhiên, sự háo hức của Myanmar muốn trở lại tham gia sáng kiến này của Trung Quốc chủ yếu là do sự cô lập của cộng đồng quốc tế nhằm phản đối chính sách tàn bạo đối với người Rohingya.
Nhưng liệu Trung Quốc cũng đã chú ý đến những lời chỉ trích về BRI? Có vẻ như sự thay đổi thái độ của Trung Quốc đối với BRI không chỉ là sự phản ứng trước những lời chỉ trích mà còn về vì sự cạnh tranh gia tăng với dự án kết nối của họ.
Cạnh tranh
Nhật Bản vẫn là nhà phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất ở châu Á. Tháng 9/2019, nước này đã công bố một sáng kiến hợp tác để phát triển sự kết nối ở châu Á với Liên minh châu Âu (EU). Sáng kiến này cam kết các đối tác sẽ theo đuổi các dự án một cách minh bạch và bền vững - một sự tương phản rõ ràng với BRI.
Tương tự, chiến lược kết nối của EU với châu Á đưa ra từ tháng 9/2018 và bắt đầu được triển khai một năm sau đó đã nhấn mạnh hết mức vào tính bền vững, quản trị tốt và sự minh bạch.
[Đằng sau việc Trung Quốc chỉnh lại cách tiếp cận Vành đai và Con đường]
Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia OECD khác cũng đã bắt đầu các sáng kiến cơ sở hạ tầng tương tự để cạnh tranh với BRI.
Đòn bẩy của Trung Quốc
Tuy nhiên, ở Myanmar, cạnh tranh chỉ là một yếu tố. Trung Quốc tiếp tục nắm giữ đòn bẩy đáng kể đối với quốc gia Đông Nam Á nghèo khổ này. Cuộc gặp hôm 18/1 giữa Tập Cận Bình và bà San Suu Kyi đã dẫn đến 33 thỏa thuận, bản ghi nhớ (MoU), nghị định thư và trao đổi thư từ liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án công nghiệp, thương mại và đầu tư.
Trong số này quan trọng nhất là một thỏa thuận xây dựng đặc khu kinh tế Kyaukpyu (SEZ) - một khu công nghiệp rộng 1.000ha và dự án cảng nước sâu. Việc phát triển cảng nước sâu đã nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua.
Nó sẽ là điểm cuối của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) kết nối phía Tây nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương.
Với các đường ống dẫn khí đốt và dầu mỏ chạy từ cảng này đến biên giới Trung Quốc, nó có thể làm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Eo biển Malacca dễ bị tổn thương, nơi 77% năng lượng nhập khẩu và 26% lượng hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển qua đây. Do đó, việc hoàn thành dự án là lợi ích chiến lược đáng kể đối với Trung Quốc.
Dự án Kyaukpyu SEZ bị đình trệ vào năm 2018 khi chính phủ Liên minh quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) tìm cách đàm phán lại chi phí vì lo ngại bẫy nợ.
Trước sự thất vọng của phía Trung Quốc, quy mô của dự án cảng đã giảm đi rất nhiều:10 vũng đậu tàu ở độ sâu 25m đối với các tàu lớn (bao gồm cả tàu chở dầu) chỉ còn 2 và số lượng bến cuối giảm từ 2 xuống còn 1.
Theo các điều khoản mới, mức chi phí 7,8 tỷ USD đã giảm xuống còn 1,3 tỷ USD, trong đó Tập đoàn CITIC của Trung Quốc, công ty đã thắng thầu dự án phát triển cảng này năm 2015, sẽ chịu 70% tổng chi phí phù hợp với số góp vốn của họ tại cảng này và Chính phủ Myanmar gánh phần còn lại. CITIC hy vọng đây sẽ chỉ là giai đoạn đầu tiên của sự phát triển.
Những lo ngại
Sự miễn cưỡng của chính phủ về gánh nặng tài chính không phải là vấn đề duy nhất mà Kyaukpyu SEZ gặp phải. Các nhà hoạt động và giới chuyên gia đã bày tỏ lo ngại thiếu các đánh giá theo nguyên tắc về những tác động môi trường và xã hội của dự án.
Nghiên cứu hồi năm 2019 của công ty HATCH của Canada được CITIC ủy nhiệm đã bị chỉ trích vì chỉ đánh giá dự án cảng trong khi không bao gồm các phần khác của dự án Kyaukpyu SEZ.
Trong khi đó, một báo cáo của Ủy ban luật gia quốc tế cho thấy có thể 20.000 người dân địa phương sẽ phải tái định cư và công việc của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dự án.
Sự lo ngại của xã hội dân sự không phải là không có sức nặng ở Myanmar: dự án Đập Myitsone tranh cãi lâu nay với dự kiến xuất khẩu 90% điện sang Trung Quốc đã bị dừng lại kể từ năm 2011 và nỗ lực của Trung Quốc nhằm khởi động lại dự án này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Kết luận
Hiện nay, Trung Quốc đã lấy lại vị trí dẫn đầu là nhà cung cấp vốn FDI, chủ yếu do Myanmar bị các đối tác phương Tây cô lập. Thỏa thuận hồi tháng 1/2020 đã kịp thời thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Myanmar chỉ một tuần trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết bất lợi về cách hành xử của Myanmar đối với người Rohinga.
Vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có tiếp tục sử dụng sự cô lập Myanmar làm đòn bẩy hay không và chính quyền NLD cần sự ủng hộ trong nước để vượt qua những lo ngại về tài chính và tác động địa phương nhằm thúc đẩy một Kyaukpyu (SEZ) lớn hơn, hoặc thậm chí khởi động lại dự án Đập Myitsone không được nhiều người ủng hộ./.