Trong tuần này, Quốc hội Na Uy dự kiến thông qua luật cho phép các hội động địa phương ban hành ngay lập tức các biện pháp cấm ăn xin.
Luật này kêu gọi ban hành một lệnh cấm ăn xin trên toàn quốc từ mùa Hè năm tới để chống... tội phạm.
Với nguồn lợi dầu mỏ dồi dào, Na Uy là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người khoảng 100.000 USD/năm theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Giàu có vậy, hẳn nhiên Na Uy trở thành điểm đến hy vọng cho nhiều người nghèo từ khắp nơi trên thế giới.
Một báo cáo mà Chính phủ Na Uy ủy quyền cho Viện nghiên cứu Nova công bố hồi tháng trước cho thấy ước tính đất nước Bắc Âu 5 triệu dân này đang có từ 500 đến 1.000 người nước ngoài hành nghề ăn xin tùy vào từng thời điểm trong năm.
Ông Himanshu Gulati, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Na Uy và cũng là thành viên của Đảng Tiến bộ theo chủ nghĩa dân tộc nói: "Trong vài năm qua, số người ăn xin đã tăng vọt tại nhiều thành phố và thị trấn ở Na Uy và chúng tôi lo ngại sâu sắc về mối liên hệ giữa dòng người ăn xin từ bên ngoài đổ vào Na Uy với hoạt động tội phạm có tổ chức."
Vì mối lo ngại này, các chính khách thuộc chính phủ trung hữu muốn tái ban hành một lệnh cấm từng được bãi bỏ năm 2005 để giúp ngăn chặn tội phạm. Giới ủng hộ luật này cũng viện dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 2/3 dân số Na Uy ủng hộ hình sự hóa nạn ăn xin.
Ngược lại, những chính khách đối lập và các luật sư phản bác rằng luật cấm này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Na Uy trên trường quốc tế, nhất là khi luật này được thông qua vào thời điểm đang diễn ra cuộc tranh luận về việc Na Uy có nên tiếp nhận người tị nạn Syria bị thương như một phần bổn phận của nước này đối với quốc tế hay không.
Kjell Ingolf Ropstad, người phát ngôn pháp lý của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo nhìn nhận: "Lệnh cấm này rất tệ và nó cũng đưa ra tín hiệu rất không tốt. Không phải tất cả những người ăn xin đều là tội phạm và đây cũng không phải vấn đề lớn của đất nước. Có vẻ như lệnh cấm này được ban hành chỉ để giúp chúng ta đỡ phải gặp họ, những người đang cần được giúp đỡ."
Đồng tình với quan điểm trên, ông Frode Sulland, đứng đầu nhóm bảo vệ tại Hiệp hội kháng biện Na Uy, cho rằng lệnh cấm này có thể vi phạm các quy định về nhân quyền của châu Âu.
"Bạn có thể đi tới bất cứ thành phố nào ở châu Âu và thấy rằng vấn đề ăn xin ở đó lớn hơn nhiều so với ở Oslo," ông Sulland nói. "Chúng tôi nghĩ rằng ai cũng có quyền đề nghị sự giúp đỡ từ người khác và việc đó không làm hại ai."
Trong khi đó, Nelu, một người Romania hành nghề ăn xin bên ngoài ga tàu điện ngầm Toyen ở thủ đô Oslo cũng tỏ sự lo lắng về lệnh cấm ăn xin sắp tới ở Na Uy. "Ở Romania chúng tôi rất khốn khó. Còn ở đây người ta có quá nhiều tiền mà tôi thì chỉ xin chút tiền lẻ mọn thôi"./.