Ngày 8/8, người đứng đầu nhóm hòa giải cho các cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng Venezuela tại Na Uy, ông Dag Nylander khẳng định nỗ lực cho tiến trình đàm phán sẽ vẫn tiếp tục miễn là các bên cùng mong muốn.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ông Nylander cho biết nhóm hòa giải Na Uy đang liên lạc với chính phủ Venezuela và phe đối lập nước này để bàn về “các cuộc gặp gỡ trong tương lai.”
Ông Nylander nêu rõ Na Uy sẽ tiếp tục nỗ lực miễn là các bên cùng mong muốn và vẫn còn triển vọng thực tế về một giải pháp có lợi cho nhân dân Venezuela.
Phát biểu của ông Nylander được đưa ra sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 7/8 tuyên bố hủy chuyến đi của phái đoàn đàm phán của chính phủ tới Barbados, nơi dự kiến diễn ra vòng 4 cuộc đối thoại trong hai ngày 9-10/8 với đại diện của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, do những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Venezuela.
Cùng ngày, Tòa án Công lý Tối cao Venezuela (TSJ) tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc bất cứ thành phần nào thể hiện ủng hộ lệnh phong tỏa các tài sản nhà nước của Venezuela tại Mỹ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mới đây.
[Đằng sau lệnh phong tỏa kinh tế của Mỹ nhằm vào Venezuela]
Thông cáo của TSJ nêu rõ các biện pháp trừng phạt mới nhất của Washington là nhằm mục đích đánh vào nền dân chủ Venezuela và buộc Venezuela phải phụ thuộc vào Mỹ.
Cơ quan tư pháp này khẳng định những biện pháp trên có thể khiến đời sống của nhân dân Venezuela khó khăn, song Venezuela sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh và "không nương tay trước những ý đồ tiếp cận quyền lực bên ngoài khuôn khổ Hiến pháp."
Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet đã lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela, cho rằng các lệnh trừng phạt mà Washington mới ban hành là "cực rộng," có thể tác động nghiêm trọng hơn nữa đối với cuộc sống của người dân Venezuela vốn đã chịu nhiều khó khăn.
Ngày 5/8 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Chính phủ Venezuela tại Mỹ và cấm tất cả giao dịch liên quan của Caracas, trừ những trường hợp ngoại lệ, nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Maduro phải từ bỏ quyền lực.
Theo đó, tất cả tài sản và lợi ích thuộc sở hữu của chính phủ Venezuela tại Mỹ sẽ không được chuyển nhượng, thanh toán, xuất khẩu, rút vốn hoặc quản lý.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng cấm mọi giao dịch với các quan chức Venezuela có tài sản đang bị phong tỏa, đồng thời không cho phép cấp hoặc tiếp nhận “mọi đóng góp hoặc cung cấp vốn, hàng hóa hoặc dịch vụ cho những người thụ hưởng là các đối tượng có tài sản hoặc lợi ích nằm trong diện bị phong tỏa”./.