Tây Ban Nha đã phải trải qua năm 2022 nóng nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi chép vào năm 1961.
Cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (Aemet) cũng cho biết, một số thành phố phía Bắc đất nước này đã ghi nhận thời tiết ấm áp bất thường vào ngày đầu Năm mới 2023.
Các quốc gia trên toàn cầu phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt bao gồm nhiệt độ nóng như thiêu đốt và hạn hán trên khắp châu Âu vào năm ngoái, gây ra cháy rừng, mùa màng bị thiệt hại và dẫn đến tình trạng hạn chế sử dụng nước.
Xứ sở Bò tót ghi nhận nhiệt độ trung bình trong năm 2022 là gần 15,5 độ C (59,9 độ F), mức nhiệt cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1916.
Đây là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình hàng năm ở Tây Ban Nha vượt quá 15 độ C.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2022, nhiều vùng rộng lớn của Tây Ban Nha đã ghi nhận nhiệt độ tăng vọt trên 40°C.
Trong một báo cáo sơ bộ vào tháng 12/2022, Aemet cho biết ngoại trừ tháng Ba và tháng Tư, các tháng còn lại của năm 2022 đều nóng hơn thông thường, đặc biệt là các tháng Năm, tháng Bảy và tháng Mười "thời tiết cực kỳ ấm."
Theo Aemet, năm 2022 cũng là một trong những năm khô hạn nhất tại Tây Ban Nha, chỉ sau các năm 2005 và 2017.
Bộ Môi trường Tây Ban Nha cho biết cuối tháng 12/2022, nhiều hồ chứa nước ở Tây Ban Nha chỉ đạt 43% công suất chứa, thấp hơn mức trung bình 10 năm là 53%.
Thành phố Barcelona và các khu vực rộng lớn của vùng Catalonia, Đông Bắc Tây Ban Nha đã áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng nước do thiếu mưa như cấm sử dụng nước sạch để rửa nhà, xe hoặc để bơm vào bể bơi, đồng thời giảm lượng nước sử dụng cho tưới tiêu.
[Đức trải qua năm nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ trung bình tăng 1,7 độ C]
Theo ước tính từ một viện y tế công cộng, nắng nóng thiêu đốt trong mùa Hè vừa qua đã khiến 4.744 người ở Tây Ban Nha tử vong.
Nhiệt độ cao có thể gây say nắng, làm tổn thương não, thận và các cơ quan nội tạng khác, đồng thời có thể gây ra các triệu chứng như đau tim hoặc khó thở, dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, theo dịch vụ vệ tinh giám sát EFFIS của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ nóng và khô hạn bất thường làm gia tăng các vụ cháy rừng nghiêm trọng, thiêu đốt hơn 300.000ha đất tại Tây Ban Nha.
Trước đó, ngày 8/9/2022, Cơ quan về chính sách khí hậu Copernicus Climiate Change Service (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết mùa Hè năm 2022 là mùa Hè nóng nhất trong lịch sử châu lục, với các đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nắng nóng và hạn hán đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn và gia tăng về cường độ do biến đổi khí hậu.
Theo C3S, châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục cả trong tháng 8/2022 lẫn ba tháng mùa Hè năm 2022. Các số liệu cho thấy tháng 8/2022 là tháng Tám nóng nhất trong lịch sử khi cao hơn 0,4 độ so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 8/2021.
Nhà khoa học Freja Vamborg của C3S nhận định hàng loạt các đợt nắng nóng khắc nghiệt trên khắp châu Âu, kết hợp với tình trạng khô hạn bất thường đã khiến khu vực này trải qua mùa Hè gay gắt với nhiều kỷ lục về nhiệt độ, hạn hán và cháy rừng tại nhiều nơi, tác động mạnh đến cả tự nhiên và xã hội.
Ở cấp độ toàn cầu, tháng 8/2022 cũng là tháng Tám nóng kỷ lục của thế giới. Nhiệt độ trung bình của tháng Tám vừa qua cao hơn 0,3 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng Tám trong giai đoạn 1991-2020.
Cơ quan khí tượng Met của Anh dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2 độ C so với trước khi con người bắt đầu gây ra biến đổi khí hậu.
Như vậy, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn ít nhất 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (năm 1850-1900).
Từ năm 1850 đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận vẫn là năm 2016, thời điểm xảy ra hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương, đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức đỉnh.
Lý giải nguyên nhân, các nhà nghiên cứu tại Met cho rằng, năm 2023 duy trì đà tăng nhiệt và trở nên nắng nóng cực đoan hơn là do không có hình thái thời tiết La Nina làm mát./.