Năm 2024 sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế của Ukraine

Ukraine kỳ vọng sẽ bù đắp mức thâm hụt ngân sách 43 tỷ USD của năm tới chủ yếu bằng viện trợ tài chính nước ngoài, trong đó có 18,5 tỷ euro (khoảng 20,3 tỷ USD) từ EU và hơn 8 tỷ USD từ hỗ trợ của Mỹ.
Khu cảng ngũ cốc - nơi Ukraine vận chuyển lúa mỳ theo thỏa thuận ngũ cốc hiện có với Nga, tại cảng ở Odessa của Ukraine, ngày 10/4 năm nay. (Nguồn: Reuters)

Nền kinh tế Ukraine có thể “trụ” thêm vài tháng tới cho đến khi nhận được viện trợ nước ngoài, nhưng năm 2024 chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm nay và Ukraine sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn lực của chính mình.

Ukraine kỳ vọng sẽ bù đắp mức thâm hụt ngân sách 43 tỷ USD của năm tới chủ yếu bằng viện trợ tài chính nước ngoài, trong đó có 18,5 tỷ euro (khoảng 20,3 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và hơn 8 tỷ USD từ một gói hỗ trợ của Mỹ. Cả hai gói viện trợ này đều đang gặp trở ngại, ở Mỹ là sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa, còn ở EU là “cái lắc đầu” của Hungary.

Bà Olena Bilan, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty Dragon Capital, nhận định Ukraine có thể thiếu nhiều tỷ USD để đáp ứng nhu cầu tài chính trong năm 2024. Trong khi đó, chỉ cần thiếu 10 tỷ USD thôi cũng đã có thể gây ra nhiều vấn đề cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và chương trình vay của nước này với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bà Bilan cho biết IMF yêu cầu Ukraine phải có sự đảm bảo tài chính vững chắc trong 12 tháng tới, vì thế nguồn viện trợ nước ngoài nếu giảm mạnh có thể đe dọa chương trình vay của Ukraine với IMF.

Theo bà Bilan, để lấp đầy phần thâm hụt ngân sách, Ukraine có thể phải tăng thuế-biện pháp sẽ gây phản tác dụng cho nền kinh tế, hay thậm chí là in tiền cho ngân sách-động thái cũng đi kèm nhiều rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Andriy Pyshnyi đã nói rõ rằng in tiền là một biện pháp cực đoan và ngân hàng này không có ý định dùng đến biện pháp này trong năm nay.

Ukraine cũng cần phải tìm cách tái cơ cấu khoảng 20 tỷ USD nợ quốc tế trong năm tới, sau khi những người nắm giữ trái phiếu chính phủ của nước này hồi tháng 8/2022 đã đồng ý đóng băng thanh toán trong hai năm.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết chính phủ nước này kỳ vọng sẽ nhận được đủ tiền viện trợ nước ngoài trong năm 2024, song cũng nói thêm rằng nếu tình hình chiến sự kéo dài, Ukraine có thể phải tính đến việc thích nghi với các điều kiện mới.

Kinh tế Ukraine đang trên đà hướng đến mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sau khi giảm gần 1/3 trong năm ngoái. Lạm phát đã giảm xuống mức một chữ số, dự trữ ngoại hối đang ở gần các mức cao lịch sử và viện trợ nước ngoài đến thường xuyên trong năm nay.

Tuy nhiên, dù có những dấu hiệu phục hồi trong năm nay, nhưng nền kinh tế lấy động lực từ hàng hóa này vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi xảy ra căng thẳng quân sự với Nga, và còn nhiều rủi ro bủa vây.

Hàng triệu người dân Ukraine vẫn đang ở nước ngoài do tình hình hỗn loạn ở trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động, nhất là ở các vị trí đồi hỏi kỹ năng cao.

Một người phụ nữ người Ukraine xem các sản phẩm thịt trong siêu thị ở Kyiv, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Giới chuyên gia cho rằng kinh tế Ukraine cũng bị kìm hãm bởi các nỗ lực phong tỏa Biển Đỏ của Nga, dù một tuyến đường vận chuyển mới được thiết lập trong mùa Hè này đã giúp Ukraine xuất khẩu hàng hóa và có thể thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.

Diễn biến chiến sự vẫn chưa rõ ràng và hoạt động logistics cho hàng xuất khẩu vẫn bị gián đoạn khi người tị nạn vẫn ở nước ngoài. Viện kinh tế nông nghiệp quốc gia Ukraine cho biết các vấn đề về vận tải và logistics đã khiến xuất khẩu nông sản trong tháng 11 vừa qua giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và đẩy giá thực phẩm nhập khẩu tăng cao. Thực phẩm chiếm 60% hàng xuất khẩu của Ukraine.

Công ty đầu tư ICU ở Kiev dự đoán tăng trưởng của nước này sẽ giảm xuống 5% trong năm 2024 sau khi đạt mức 5,8% trong năm nay, với lạm phát được dự đoán sẽ tăng lên trong năm tới. Dragon Capital dự báo kinh tế Ukraine sẽ tăng khoảng 4% trong năm 2024 sau khi tăng 5,2% trong năm nay.

Giới chuyên gia cho rằng Ukraine chắc chắn sẽ vẫn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, bất chấp những lo ngại rằng hỗ trợ tài chính từ phương Tây có thể sẽ yếu dần. ICU dự đoán thâm hụt ngân sách của Ukraine (trước khi nhận được viện trợ và vốn vay) sẽ vượt 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ít nhất đến năm 2027 và giảm xuống dưới 5% GDP sau năm 2030.

Thâm hụt thương mại của Ukraine đã tăng mạnh lên 22,3 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-10 năm nay, mức cao kỷ lục cho thấy nhập khẩu đang tăng mạnh trong khi xuất khẩu vẫn yếu ớt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục