Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng

Vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có nhiều cơ hội để thể hiện vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Ngày 1/1/2020 là thời khắc Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020.

Vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có nhiều cơ hội để thể hiện vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Nhân dịp này, VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng."

Ngày 1/1/2020 là thời khắc Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020. Vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có nhiều cơ hội để thể hiện vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

[Việt Nam thúc đẩy 5 ưu tiên, xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết]

Trước khi là Chủ tịch ASEAN lần này, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (7/2000-7/2001) và là Chủ tịch ASEAN 2010.

Từ cuối năm 2018, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN với mong muốn đặt những viên gạch tiếp theo xây dựng Cộng đồng ASEAN thêm vững mạnh, kết hợp tốt vai trò Chủ tịch ASEAN với chức trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, từ đó triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Ra đời ngày 8/8/1967, ASEAN ra Tuyên bố Bangkok thể hiện hoài bão về một Hiệp hội quy tụ tất cả các nước Đông Nam Á hướng tới một khu vực hòa bình-tự do-thịnh vượng.

Trải qua năm tháng, giấc mơ một ASEAN với 10 nước Đông Nam Á đã thành hiện thực.

Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015, dần trở thành hình mẫu về một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội.

ASEAN, bởi vậy, đã trở thành đối tác quan trọng của các nước ngoài khu vực, hạt nhân trong các tiến trình đối thoại và hợp tác.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng ảnh 2(Nguồn: TTXVN)

Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, Cộng đồng ASEAN tiếp tục gắn kết, khẳng định vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, có tiếng nói quan trọng trong cấu trúc khu vực đang định hình và trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Trong chiến lược của các nước lớn, ASEAN là đối tác quan trọng để đối thoại và hợp tác khu vực.

Từ khi gia nhập “con thuyền khu vực” ASEAN năm 1995, Việt Nam đã cùng ASEAN chèo chống qua nhiều sóng gió, vật lộn với những dòng xoáy dữ dội của “biển cả toàn cầu.”

Trong sự vững vàng của ASEAN ngày hôm nay có những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng đoàn kết và thống nhất giúp ASEAN vượt qua những thời khắc khó khăn, thử thách.

Đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm gia nhập, Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thúc đẩy ASEAN vươn lên mạnh mẽ, phát triển bền vững sẽ là đóng góp thiết thực của chúng ta cho Cộng đồng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục ẩn chứa nhiều bất định, cạnh tranh giữa nước lớn gia tăng, ASEAN với vị trí địa-chiến lược ở trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đang đứng trước vận hội và thách thức mới.

Với dân số hơn 642 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là thị trường tiền năng với một nền kinh tế năng động, và là điểm sáng kinh tế toàn cầu.

Các nước ASEAN cũng không ngừng vận động vươn lên, đón đầu những lợi ích của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng việc tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot tiên tiến...

Tuy nhiên, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, cọ xát thương mại giữa các nước lớn cũng đặt ra nhiều thách thức, ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ phát triển kinh tế và thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, khác biệt trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên và các yêu cầu hội nhập cao hơn, sâu hơn trong giai đoạn mới đòi hỏi các chính phủ phải có các quyết sách kinh tế phù hợp.

Như vậy, ASEAN đang đứng trước yêu cầu tận dụng tối đa cơ hội, xử lý tốt các thách thức, tránh nguy cơ tụt hậu để tiếp tục vươn lên bền vững.

Lựa chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN.

Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.

Chủ đề này có tính tiếp nối từ các chủ đề của ASEAN năm 2019 là “Tăng cường đối tác vì sự bền vững” và năm 2018 là “Tự cường và Sáng tạo.”

Chủ đề cũng đã nhận được sự hưởng ứng cao của các nước thành viên ASEAN và sự đồng tình, ủng hộ của các nước đối tác của ASEAN.

Thực tế cho thấy để trụ vững và thích ứng hiệu quả trước những biến động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN cần vững vàng duy trì khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường về kinh tế, khả năng ứng phó chủ động và nhanh nhạy trước các thách thức nảy sinh, gia tăng tính sáng tạo, chủ động, sự chuyển biến, để vươn lên mạnh mẽ, hướng về phía trước.

Không chỉ tập trung nâng cao sức mạnh nội khối, xử lý khéo léo quan hệ với bên ngoài và tận dụng nguồn lực của các đối tác phục vụ cho lợi ích chung cũng là bài toán cần giải.

Vì thế, để hiện thực hóa chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam đã xác định 5 ưu tiên lớn sẽ thúc đẩy trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên, nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế, thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia, qua đó ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới, tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân.

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN bằng cách tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế, mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Cuối cùng, để triển khai thành công các ưu tiên trên, Việt Nam xác định ưu tiên thứ năm không kém phần quan trọng là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN thông qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Kể từ tháng 12/2018, với việc thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, công tác chuẩn bị cho Năm Chủ tịch đã được triển khai toàn diện trên tất cả các mặt từ nội dung, lễ tân, tuyên truyền-văn hóa, vật chất-hậu cần tới an ninh-y tế.

Cùng với sự ủng hộ của các nước ASEAN và các nước Đối tác, bạn bè của ASEAN, sự hưởng ứng tích cực của tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương và đặc biệt là người dân cả nước, Việt Nam tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Việt Nam cũng kỳ vọng với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ thúc đẩy quan hệ gắn kết giữa tổ chức khu vực với toàn cầu thông qua vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó nâng cao vị thế của ASEAN đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục