Nam Định: Theo dõi chặt tình hình bão số 4, cảnh báo kịp thời cho dân

Tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, đơn vị và nhân dân cần tránh tâm lý chủ quan, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hướng đi của cơn bão. (Nguồn: TTXVN phát)

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 4, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm cứu cứu nạn tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, đơn vị và nhân dân cần tránh tâm lý chủ quan, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các địa phương ven biển, cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đồng thời theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại Nam Định đang có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Vì vậy, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, cảnh báo kịp thời để người dân có phương án chằng chống nhà cửa, di chuyển, kê cao đồ đạc đề phòng nước ngập; chủ động tiêu thoát nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và diện tích lúa mùa vừa gieo cấy.

Các huyện ven biển triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều và các công trình đang thi công, nhất là khu vực đê sông, đê biển bị sạt, sụt trong những trận mưa bão trước đó nhưng chưa khắc phục xong.

Các địa phương trong tỉnh kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại các vùng trũng, thấp ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở và chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có yêu cầu.

[Bão số 4 còn cách các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An gần 600km]

Rút kinh nghiệm từ cơn bão trước đó, đặc biệt là cơn bão số 10 xảy ra vào tháng 9/2017. Do chủ quan nên nhiều hộ dân ở sát đê biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy) và Thịnh Long (huyện Hải Hậu) đã không di chuyển đồ đạc. Khi bão đổ bộ vào đất liền kết hợp với mưa lớn và triều cường đã làm sập mái hàng trăm kiốt, hư hỏng nhiều đồ dùng giá trị của các gia đình tại các khu du lịch này.

Bão số 4 được dự báo có hướng đi khó lường và khả năng mạnh thêm, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm cứu cứu nạn tỉnh Nam Định đề nghị, các địa phương, lực lượng chức năng thông báo cho các hộ kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch ven biển trên địa bàn chủ động di chuyển đồ đạc và vào nơi tránh trú an toàn. Khuyến cáo khách du lịch không tắm biển và tổ chức các hoạt động thăm quan, nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển khi biển động mạnh, sóng lớn để đảm bảo an toàn.

Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với hơn 5.700 lao động khai thác thủy hải sản trên biển. Toàn tỉnh có trên 16.000ha nuôi trồng thủy sản. Ở khu vực ven biển của tỉnh có hơn 1.000 lều, chòi với gần 1.300 lao động nuôi ngao.

Vụ mùa năm 2018, Nam Định gieo cấy 76.500ha; trong cơn bão số 3 vừa qua, những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm khoảng 20.000ha lúa mùa tại địa phương này bị ngập sâu, phải gieo, cấy lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục