Năm học 2015-2016: Tiếp tục tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia 2014-2015 để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi trong năm 2016.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Sau năm đầu tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (năm học 2014-2015) thành công, dư luận khá quan tâm tới việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiếp tục tổ chức kỳ thi này hay không?

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, phía ​Bộ Giáo dục và Đào tạo ​khẳng định ​sẽ rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ​năm 2015, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi ​năm 2016 và những năm tiếp theo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

​Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những ưu điểm của năm học 2014-2015 là ngành đã thực hiện đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh.

Ở bậc tiểu học, lần đầu tiên Bộ áp dụng Thông tư 30, bỏ chấm điểm và chuyển sang nhận xét đánh giá học sinh thường xuyên, chỉ thi chấm điểm cuối kỳ.

Ở bậc trung học phổ thông, lần đầu tiên kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức với hai mục tiêu, vừa lấy điểm xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét vào các trường đại học, cao đẳng.

Những đổi mới này tuy còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, nhất là việc thực hiện Thông tư 30, nhưng cũng đã nhận được sự đồng thuận lớn từ giới chuyên môn.

​Năm học 2015-2016, ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và chỉ đạo đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh cũng sẽ được đổi mới và bảo đảm trung thực, khách quan.

Các hướng đánh giá cụ thể như phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá, nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tiếp tục hoàn thành các công việc của kỳ khảo sát ​PISA 2015.

Bên cạnh ​đó, năm học tới, ngành giáo dục cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các hoạt động được chú trọng gồm trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa của Bộ trong năm học 2015-2016 là đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bên cạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục việc rà soát để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và đổi mới cơ chế tài chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục