Mã CIG của Công ty cổ phần COMA 18 sau một tuần đáng quên đầu tháng 12 đã thể hiện hình ảnh hoàn toàn khác trong những phiên giao dịch tuần này với tỷ lệ tăng giá lên tới gần 42%.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 11/12 cho thấy, trên sàn HoSE, CIG đã có 1 tuần ngập trong sắc tím. Công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản này đã có thêm tổng cộng 500 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng giá 41,67%.
Kết quả kinh doanh quý 3 vừa công bố của CIG thực tế không mấy tích cực. Doanh thu của đơn vị chỉ là gần 21 tỷ đồng trong quý vừa qua trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới trên 35 tỷ đồng.
Tổng mức lỗ của CIG trong quý lên tới hơn 18 tỷ đồng. Trong quý 3 năm ngoái, CIG cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế âm tuy nhiên con số chỉ là trên 3,6 tỷ đồng.
Thông tin mới đây liên quan tới CIG là chủ tương liên kết với Công ty cổ phần SSD 668 để tìm kiếm việc làm lĩnh vực sản xuất, chế tạo lắp ráp cơ khí.
Nhóm tăng giá tuần này cũng xuất hiện mã DHM của Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu. Đây là cái tên khá quen thuộc khoảng 2 tháng gầy đây trong nhóm biến động giá trên sàn HoSE.
Theo báo cáo mới đây của DHM, lợi nhuận sau thuế quý 3 của công ty đạt trên 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 607 triệu đồng của cùng kỳ năm của đơn vị này.
Đại diện DHM cho rằng, một phần lý do cho kết quả trên là quý 3 năm nay, mặt hàng truyền thống của công ty là thiết bị điện, vật liệu chịu lửa đã ổn định và tăng trưởng trở lại.
Ở phía ngược lại, mã KTB của Công ty cổ phần Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần.
KTB khởi động tuần này với liên tiếp 2 phiên đi ngang. Tuy nhiên, với 3 phiên còn lại, mã này bất ngờ mất đà và liên tiếp nện sàn. Sau 5 phiên, KTB này đã mất 300 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 25%.
Trước đó, KTB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 9/10 với nguyên nhân là công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Trong văn bản mới nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đưa cổ phiếu này vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 15/12 cũng với lý do KTB liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Bên sàn HNX, mã DST của Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục Nam Định đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá lên tới gần 56%.
DST đã có trọn 1 tuần tăng giá trong đó có tới 4 phiên tăng kịch trần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/12, DST có giá là 18.400 đồng/cổ phiếu, tăng 6.600 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.
Báo cáo quý 3 của DST cho thấy, mặc dù có doanh thu tương đương cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận của đơn vị này sụt giảm nhiều so với quý 3 năm 2014.
Cụ thể, doanh thu của DST quý 3 năm nay là trên 16 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là gần 74 triệu đồng. Trong khi ấy, cùng kỳ năm ngoái, với mức doanh thu cũng hơn 16 tỷ đồng, lợi nhuận của DST là xấp xỉ 321 triệu đồng.
Theo lý giải của đại diện DST, doanh thu của công ty vẫn chủ yếu từ hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, bài tập cho học sinh các cấp. Tuy nhiên, mức lợi nhuận trong năm nay thấp hơn năm ngoái do các khoản chi phí trong 9 tháng năm nay chủ yếu tập trung phải quý 3.
Cũng trong nhóm tăng giá, DPS, VC3, SDG và LBE là các mã phía sau DPS với tỷ lệ tăng giá dao động trong khoảng 20,71%-24,24%.
Với nhóm giảm giá, nhiều cái tên quen thuộc trước đó là C92 và OCH tiếp tục xuất hiện trong bảng xếp hạng tuần này.
Đáng chú ý, mã C92 của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 tuần trước cũng chính là mã mất giá nhiều nhất trên sàn HNX với tỷ lệ giảm giá lên tới gần 26%.
Trong những phiên giao dịch tuần này, đà lao dốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại với cổ phiếu nhóm ngành xây dựng và bất động sản khi C92 tiếp tục có tới 4 phiên mất giá
Trong báo cáo kinh doanh quý 3 công bố trước đó, đại diện C92 cho biết, doanh thu của đơn vị này đạt trên 95 tỷ đồng, tăng so với mức trên 67 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, về lợi nhuận sau thuế, báo cáo của C92 cho thấy mức lãi là trên 900 triệu đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, quý 3 năm 2014, mặc dù doanh thu thấp hơn năm nay nhưng lợi nhuận đạt gần 909 triệu đồng.
Với OCH, mã này đang trải qua tháng 12 khá ảm đạm. Mã này cuối tháng 11 còn là quán quân nhóm tăng giá trên sàn. Tuy nhiên, sang tháng 12, đây đã lần thứ 2 liên tiếp OCH xuất hiện trong top giảm giá.
Đứng đầu nhóm mất giá trên sàn là mã KSQ của Công ty cổ phần Khoáng sản Quang Anh.
Báo cáo quý 3 của KSQ đang cho thấy bước nhảy vọt về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Nếu như quý 3 năm ngoái, doanh thu của KSQ chỉ là hơn 4 tỷ đồng thì năm nay, con số này lên tới hơn 60 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay qua đó được tính toán là gần 3,3 tỷ đồng, cao hơn hẳn mức lãi 13 triệu đồng năm ngoái.
Theo giải trình, đại diện KSQ cho biết, điều này xuất phát từ việc công ty mới chuyển đổi hoạt động từ khai thác khoáng sản sang kinh doanh các mặt hàng liên quan tới dụng cụ y tế, đồ dùng văn phòng từ cuối năm ngoái. Sang năm 2015, công ty đã dần thâm nhập thị trường kinh doanh thương mại, cung ứng mặt hàng đa dạng và hợp đồng kinh tế được ký kết nhiều hơn.
Việc "chuyển mình" như trên theo như nhận định của đại diện KSQ đã giúp công ty có sự tăng trưởng nhảy vọt về doanh thu và lợi nhuận./.