Trong một tuần giao dịch ảm đạm của toàn thị trường đầu năm mới, những cổ phiếu trong ngành bất động sản vẫn "ngược dòng" và liên tiếp tăng nóng.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 8/1 cho thấy, trên sàn HoSE, mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước là một trong những mã hiếm hoi giữ được tới 4 phiên tăng giá mạnh trong tuần qua.
Tổng mức tăng sau 5 phiên tuần này của DRH lên tới 3.400 đồng/cổ phiếu sau 4 phiên tăng giá và chỉ duy nhất 1 phiên mất giá.
Thông tin tích cực trong tuần đầu tiên của năm nay với DRH là việc hội đồng quản trị của công ty này đã thông báo nghị quyết nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trị giá 120 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện DRH cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay của công ty đạt 6,6 tỷ đồng, tăng tới 261% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được DRH giải trình do đơn vị ghi nhận lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khu Nam Cần Thơ. Trong quý 3, tổng doanh thu của DRH đạt 31,37 tỷ đồng trong đó doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đã đóng góp 22,95 tỷ đồng.
Đứng vị trí thứ 2 nhóm tăng giá cũng là cổ phiếu ngành bất động sản: mã LHG của Công ty cổ phần Long Hậu. Tổng mức tăng của LHG sau 5 phiên là 2.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 14%.
FDC, CIG và CCI là những mã còn lại trong nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá chỉ khoảng 8,91%-10,64%
Ở phía ngược lại, mã DAT của Công ty cổ Đầu tư du lịch và Phát triển thủy sản là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần.
Ngoài 1 phiên đi ngang cuối tuần, DAT đã có liên tiếp 4 phiên lao dốc trong đó có 1 phiên chạm sàn. Sau 5 phiên, DAT đã mất 12.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 23%.
Thông tin gần nhất liên quan tới DAT là việc hội đồng quản trị của đơn vị đã chuyển nhượng bớt phần vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Dầu cá Á Châu (Công ty AFO).
DAT đã giảm bớt 50 tỷ đồng trong phần vốn đầu tư tại AFO tương đương với 41,76% vốn điều lệ của AFO. Theo đó, sau khi hoàn tất chuyển nhượng, đại diện DAT cho biết, công ty chỉ còn nắm giữ hơn 3.8 triệu cổ phần của AFO (tương đương tỷ lệ 32,16%).
Theo báo cáo, doanh thu thuần của công ty mẹ trong quý 3 đạt hơn 107 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của DAT qua đó được tính toán là gần 7 tỷ đồng. Mức lãi này cao hơn nhiều so với con số hơn 1,8 tỷ đồng trong quý 3 năm 2014.
Trong giải trình với cơ quan chức năng, đại diện DAT cho biết, kết quả trên một phần do công ty đã đầu tư 1 dây chuyền sản xuất được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 6/2015, tăng công suất hoạt động của nhà máy bột cá.
Đứng sau DAT, DLG, HHS, VHG và BGM là những mã còn lại trong nhóm giảm giá với mức giảm khoảng 15%-18,57%.
Bên sàn HNX, mã VC5 của Công ty cổ phần Xây dựng số 5 giữ ngôi vị quán quân nhóm tăng giá.
Sau trọn vẹn 1 tuần tăng kịch trần, tổng mức tăng của VC5 là 1.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ trên 48%, bỏ xa những vị trí còn lại trong nhóm tăng giá trên sàn.
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, theo báo cáo, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) đã bán toàn bộ hơn 2,3 triệu cổ phiếu của VC5, tương ứng với tỷ lệ 51%. Sau giao dịch, VCG không còn sở hữu cổ phiếu của VC5.
Kết quả kinh doanh quý 3 được công ty này công bố cho thấy, mặc dù doanh thu giảm khoảng 0,44% so với quý 3 năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế đã giảm đáng kể.
Điều này theo tính toán do giá vốn bán hàng trong quý của VC5 đã tăng tới hơn 6%. Theo lãnh đạo VC5, một số công trình giá trị quyết toán được duyệt thấp hơn giá trị quyết toán dự kiến ban đầu đã làm ảnh hưởng tới kết quả của công ty.
Đặc biệt, chi phí tài chính trong quý 3 năm nay đã tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện công ty, đơn vị bị các chủ đầu tư chiếm dụng vốn lớn, kế hoạch dòng tiền không đạt như kế hoạch dẫn đến quay vòng vốn chậm, ảnh hưởng tới giải ngân cho các nhà cung cấp.
Với nhóm giảm giá, mã OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương là cái tên đứng đầu với tỷ lệ giảm hơn 39%.
Đây là mã đã liên tục xuất hiện trong top tăng, giảm giá trên sàn HNX trong những tháng cuối năm 2015. Tuy nhiên, đà tăng hoặc giảm của OCH thường không kéo dài. Mã này trong 2 tháng đã liên tục hoán đổi vị trí giữa nhóm tăng giá và giảm giá.
Trong tuần đầu năm 2016, OCH đang chìm sâu trong sắc đổ với 4 phiên giảm giá trong đó có 3 phiên nện sàn. OCH đã đánh rơi 3.500 đồng/cổ phiếu, ứng với biên độ giảm là 28%.
Như đã thông tin trước đó, lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của OCH tăng trưởng mạnh. Cụ thể, mức lãi quý 3 năm nay của công ty đạt trên 122 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 48 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lý giải sự thay đổi này, đại diện công ty cho biết, giá vốn bán hàng quý vừa qua giảm hơn 18 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 11,35% so với cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng tới kết quả của OCH.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của OCH quý 3 tăng trên 137 tỷ đồng, tương đương hơn 575% cũng là cơ sở giúp lợi nhuận sau thuế của đơn vị này tăng mạnh so với quý 3 năm 2014./.
TAG, SDC, VFR và CTN là những mã đứng sau OCH với mức giảm từ 20,83%-25,93%./.