Cái tên được nhắc tới nhiều nhất tuần qua là mã HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Không ngoài dự đoán, mã này đã xuất hiện trong top biến động giá mạnh trên sàn HoSE.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 22/1 cho thấy, trên sàn HoSE, mã FDC của Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh là quán quân nhóm tăng giá.
FDC đã có một tuần trọn vẹn tăng giá với tổng mức tăng lên tới 4.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 22%.
Mới đây, FDC vừa công bố báo cáo quý 4 năm 2015 với lợi nhuận sau thuế tăng vọt. Mức lãi được FDC thông báo lên tới gần 9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của công ty chỉ ở ngưỡng trên 250 triệu đồng.
Theo lý giải của đại diện FDC tới cơ quan chức năng, những thay đổi này do trong quý 4 năm 2015, công ty có phát sinh khoản thu nhập từ việc thanh lý hợp đồng thuê văn phòng.
Lũy kế cả năm 2015, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 6,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, hoạt động tài chính khởi sắc đã đem về hơn 75 tỷ đồng doanh thu cho FDC, giúp lãi trước thuế đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng gần 3 lần kết quả 2014.
Nhóm tăng giá tuần này cũng xuất hiện mã DHM của Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu ở vị trí á quân. Đây là cái tên khá quen thuộc khoảng 2 tháng cuối năm 2015 trong nhóm biến động giá trên sàn HoSE.
Báo cáo quý 4 vừa công bố tuần này của DHM cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty đã tăng hơn 706% so với quý 4 năm 2014. Cụ thể, lợi nhuận quý 4 năm 2015 được ghi nhận ở mức gần 276 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là trên 34 triệu đồng. Trước đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 của công ty cũng đạt trên 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 607 triệu đồng của cùng kỳ năm trước đó của đơn vị này.
Ở phía ngược lại, mã GTT của Công ty cổ phần Thuận Thảo là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần.
Công ty trong nhóm ngành vận tải và kho bãi này đã có một tuần đáng quên khi nện sàn 3 phiên và đi ngang trong 2 phiên còn lại. Sau 5 phiên, GTT mất 3.00 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ trên s27%.
Trước đó, GTT vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 năm 2015 với mức lỗ khoảng gần 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2014, mức lỗ đã giảm đáng kể bởi trước đó, khoản lỗ trong quý cuối cùng của năm 2014 lên tới gần 84 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của GTT trong quý 4 năm 2015 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng trên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh trong quý vừa rồi giảm tới hơn 32% so với quý 4 năm 2014 giúp giảm lỗ cho công ty.
Cũng trong nhóm giảm giá, đáng chú ý có mã bluechips là HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.
Trong tuần quan, ngoài 1 phiên tăng giá duy nhất ngày 19/1, HAG đã nện sàn trong 4 phiên còn lại và đánh rơi tổng cộng 2.000 đồng/cổ phiếu (ứng với tỷ lệ hơn 20%).
Theo nhận định, sự lao dốc của HAG là một trong những nguyên nhân tạo hiệu ứng xấu lên toàn thị trường trong tuần qua.
Trước đó, báo cáo quý 3 năm 2015 của HAG cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt trên 112 tỷ đồng, sụt giảm so với mức trên 176 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2014.
Bên sàn HNX, mã S12 của Công ty cổ phần Sông Đà 12 giữ ngôi vị quán quân nhóm tăng giá.
Với 5 phiên trọn vẹn nhuộm sắc tím, tổng mức tăng của S12 là 1.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 48%, bỏ xa những vị trí còn lại trong nhóm tăng giá trên sàn.
Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2015 của S12, doanh thu thuần của đơn vị này chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của S12 qua đó đang âm hơn 427 triệu đồng.
Nếu tính từ đầu năm 2015 tới hết quý 3, S12 đang ghi nhận mức lỗ hơn 17 tỷ đồng. Số lỗ này tăng so với mức lỗ trên 13,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.
Cũng trong nhóm tăng giá, mã PIV của Công ty cổ phần PIV bất ngờ xuất hiện ở vị trí thứ 3. Đây chính là mã giảm giá mạnh nhất trên sàn HNX cách đây 1 tuần.
Như đã thông tin, mới đây, đại diện PIV đã thông báo việc chào bán 13,8 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời hạn đăng ký mua là từ ngày 3/2 đến ngày 8/3.
Báo cáo quý 4 năm 2015 vừa được PIV công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế của PIV đạt gần 3,3 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2014. Theo đại diện PIV, các đơn hàng bị trì hoãn tới đầu năm 2016 đã ảnh hưởng tới doanh thu và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Với nhóm giảm giá, mã PSC của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Sài Gòn là cái tên đứng đầu với tỷ lệ giảm trên 29%.
Nhìn lại tuần qua, PSC chỉ có duy nhất 1 phiên tăng nhẹ vào cuối tuần. Trong khi ấy, ở 4 phiên còn lại, mã này có tới 3 phiên chạm sàn và 1 phiên mất hơn 6%. Tổng cộng, sau 1 tuần giao dịch, PSC đã giảm 4.500 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo quý 4 năm 2015 vừa công bố, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty này đều có mức tăng đáng kể. Doanh thu của PSC trong quý vừa rồi lên tới 140 tỷ đồng, cao hơn hẳn con số 126 tỷ đồng của quý 4 năm 2014.
Lợi nhuận sau thuế của PSC qua đó được ghi nhận trong quý 4 là gần 4,9 tỷ đồng. Trong khi ấy, con số này trong cùng kỳ 1 năm trước đó chỉ là gần 2,5 tỷ đồng.
Mức tăng trên theo lý giải của đại diện PSC bởi giá xăng, dầu giảm liên tục trong quý 4 đã giúp hoạt động kinh doanh vận tải trong quý 4 năm 2015 hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước đó.
Ngoài ra, việc thoái vốn thành công tại công ty cổ phần Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex với giá bán cao hơn mệnh giá theo đại diện công ty đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp có thay đổi.
TVC, PTD, PVB và DC2 là những mã đứng sau PSC với mức giảm khoảng 19,67%-25,82%./.