Lính mới trên sàn HoSE là mã ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros có phiên thứ 11 tăng trần và qua đó tiếp tục giữ ngôi vị quán quân trong top tăng giá.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho thấy, trên sàn HoSE, 5 phiên tăng trần tuần này giúp ROS có thêm tới 6.900 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ tăng giá hơn 39%. Giá chốt phiên ngày 16/9 của mã này là 24.300 đồng/cổ phiếu.
Tỷ lệ tăng giá của ROS bỏ xa những mã còn lại trong nhóm. Mã AGM đứng ở vị trí thứ 2 chỉ có mức tăng gần 24%. Như vậy, đây đã là tuần thứ 2 liên tiếp mã này đứng ở vị đầu bảng trong nhóm tăng giá. Nếu tính cả những phiên trước đó, ROS đã có tổng cộng 11 phiên tăng giá kịch trần.
Với ROS, công ty mới chỉ bắt đầu giao dịch từ 1/9 trên sàn HoSE với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp trong ngành xây dựng và bất động sản thành lập năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Faros đạt quy mô vốn điều lệ là 4.300 tỷ đồng.
Hiện nay, mảng xây dựng bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp là hoạt động chính của công ty.
ROS vốn được tiếng là đơn vị có tốc độ thi công "thần tốc." Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng được ROS hoàn thành trong vòng 9 tháng.
Một dự án đáng chú ý khác được ROS thực hiện là quần thể sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn (Bình Định) có quy mô 300 ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Ở phía ngược lại, mã TNT của Công ty cổ phần Tài nguyên là mã mất giá nhiều nhất sàn.
TNT đã trải qua một tuần chỉ biết tới giảm giá, thậm chí cả 5 phiên đều nện sàn. Từ mức giá 7.600 đồng/cổ phiếu cuối tuần, TNT hiện chỉ còn 5.300 đồng/cổ phiếu.
Chuỗi ngày buồn của TNT đã kéo dài từ những phiên giao dịch tháng trước. Theo tính toán, trong 1 tháng, giá của TNT đã giảm tới hơn 78%.
Thực tế, báo cáo kinh doanh mới công bố của TNT cho thấy tình hình khá khởi sắc. Doanh thu của TNT đã từ mức hơn 67 tỷ đồng 6 tháng năm 2015 lên mức hơn 71,5 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp của TNT trong nửa đầu năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (221%) nhưng theo tính toán, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này vẫn giữ được mức gần 2,2 tỷ đồng, cao hơn mức 1,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Bên sàn HNX, mã SGH của Công ty cổ phần Khách sạn Sài Gòn là quán quân nhóm tăng giá.
Thông tin mới nhất liên quan tới SGH là công ty này dự kiến phát hành hơn 8,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là 23/9.
Đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo thông báo của SGH để tăng vốn điều lệ công ty từ 35,32 tỷ đồng lên 123,64 tỷ đồng. Việc này nhằm đảm bảo khả năng tài chính để chuyển đổi việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sang Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, đợt phát hành trên theo đại diện SGH cũng nhằm cơ cấu các khoản nợ của công ty.
Theo báo cáo 6 tháng, tổng doanh thu của SGH đạt 18,4 tỷ đồng, bằng 49,59% kế hoạch năm, tăng 8,64% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế theo tính toán đạt khoảng 3,6 tỷ đồng, bằng 60,55% kế hoạch năm.
Ở nhóm mất giá, mã BKC của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn là mất giá nhiều nhất sàn.
BKC chỉ cố gắng có được 1 phiên đi ngang cuối tuần, 4 phiên còn lại của doanh nghiệp trong ngành khai khoáng chỉ biết tới tụt sâu. BKC hiện có giá 7.300 đồng/cổ phiếu, giảm 2.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ gần 28%.
Báo cáo tài chính sau soát xét của BKC cho thấy thông tin đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 145 triệu đồng. Cùng kỳ năm ngoái, mức lãi của BK lên tới hơn 12,5 tỷ đồng.
Thực tế, doanh thu của BKC mặc dù không cao như mức hơn 59 tỷ đồng của 6 tháng năm ngoái nhưng cũng đạt trên 47 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều làm lợi nhuận BKC hụt đi nhiều là giá vốn bán hàng lên tới trên 42 tỷ đồng. Trong khi ấy, một loạt chi phí khác như chi phí lãi vay lên tới gần 2,4 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 5,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần âm tới hơn 811 triệu đồng./.