Nam Sudan: Lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng tới hơn 600.000 người

Những cơn mưa xối xả đã làm mực nước các con sông dâng cao, gây ngập lụt nhiều nhà cửa và các trang trại ở 8/10 bang của Nam Sudan.
Cảnh ngập lụt ở bang Jonglei, Nam Sudan. (Nguồn: news.un.org)

Ngày 7/10, Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc (Ocha) cảnh báo rằng các trận lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến ít nhất 623.000 người dân ở Nam Sudan, buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do bạo lực đang diễn ra ở nước này.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo của Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc  cho biết những cơn mưa xối xả đã làm mực nước các con sông dâng cao, gây ngập lụt nhiều nhà cửa và các trang trại ở 8/10 bang của Nam Sudan.

Lực lượng cứu hộ đã sử dụng ca nô và thuyền để tiếp cận các khu dân cư bị cô lập, 2/3 người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng có nguy cơ đói kém do giá lương thực tăng vọt 15% kể từ tháng 8.

Trường học, nhà ở, cơ sở hạ tầng y tế và nguồn nước bị ngập đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân.

Một số gia đình đã phải rời khỏi nhà để đến thủ đô Juba, trong khi những người khác phải trú ẩn trong những ngôi nhà tạm bợ dọc theo đường cao tốc.

Cũng theo Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc, tại nhiều nơi ở quốc gia Đông Phi có 11 triệu dân này, bạo lực liên cộng đồng đã buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, làm phức tạp thêm các nỗ lực cứu trợ cho người dân.

[Lũ lụt tại Nam Sudan khiến 90.000 người dân bị ảnh hưởng]

Hiện các nhóm nhân đạo của Liên hợp quốc đang gặp khó khăn trong việc cung cấp viện trợ tại bang Warrap ở phía Tây Bắc, nơi đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực sắc tộc và dịch bệnh sởi.

Trong năm 2020, đợt lũ lụt kỷ lục đã ảnh hưởng đến khoảng 700.000 người và trong số những người phải di dời vào thời điểm đó, hiện còn khoảng 100.000 người vẫn chưa trở về nhà.

Tháng trước, Ocha đã cảnh báo về việc suy giảm các nguồn lực và nhấn mạnh rằng tổ chức này chỉ nhận được 54% trong tổng số 1,7 tỷ USD cần thiết để tài trợ cho các chương trình ở quốc gia này.

Việc cắt giảm ngân sách cũng đã buộc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phải ngừng viện trợ lương thực cho hơn 100.000 người phải di dời ở Nam Sudan.

Kể từ khi giành được độc lập từ Sudan vào năm 2011, quốc gia non trẻ nhất thế giới này đã phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế và chính trị kinh niên và hiện đang phải vật lộn để phục hồi sau cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người và làm 4 triệu người phải di dời trong khoảng thời gian từ năm 2013-2018.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 82% người dân Nam Sudan đang sống dưới mức nghèo khổ và 60% dân số nước này phải chịu cảnh đói kém do xung đột, hạn hán và lũ lụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục