Sức ảnh hưởng khổng lồ từ sau lưng Tổng thống Reagan

Nancy Reagan: Sức ảnh hưởng khổng lồ từ sau lưng tổng thống

Bà Nancy Reagan, người là vợ của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đã vừa trút hơi thở cuối cùng trong ngày Chủ Nhật ở Bel Air, California, hưởng thọ 94 tuổi.
Bà Nancy bên chồng Ronald Reagan (Nguồn: Daily Mail)

Bà Nancy Reagan, người là vợ của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đã trút hơi thở cuối cùng trong ngày Chủ Nhật ở Bel Air, California, hưởng thọ 94 tuổi.

Trước đó, bà đã có thời gian dài sống trong cảnh sức khỏe yếu vì bị suy tim xung huyết.

Khởi nghiệp trong vai trò một nữ diễn viên vào giai đoạn những năm 1940 và 1950, bà đã kết hôn với ông Reagan, khi ấy là chủ tịch Hiệp hội các diễn viên Mỹ, vào năm 1952.

Bà Nancy là một Đệ nhất phu nhân nhiều ảnh hưởng trong thời gian chồng bà nắm cương vị Tổng thống Mỹ giai đoạn từ 1981 tới 1989.

Đáng chú ý là bà đã lãnh đạo chiến dịch "Just Say No" chống lại ma túy. Bà thường xuyên phát biểu tại các trường học và còn xuất hiện trên các chương trình truyền hình như Dynasty và Diff'rent Strokes để cổ súy cho chiến dịch.

"Ma túy tước đi ước mơ từ mọi trái tim của trẻ nhỏ và thay thế bằng ác mộng. Đã tới lúc chúng ta ở nước Mỹ này cần đứng lên và thay lại những giấc mơ bị đánh cắp đó," bà nói trong một bài phát biểu đã dẫn tới 12.000 CLB Just Say No được thành lập trên khắp đất Mỹ và Quốc hội Mỹ còn cho triển khai tuần lễ Just Say No.

Các nỗ lực của bà đã được đền đáp bằng việc tỷ lệ nghiện cocaine đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm. 

Ông Ronald Reagan qua đời vào ngày 5/6/2004, sau cuộc chiến dài 10 năm chống lại bệnh Alzheimer. Mấy năm gần đây, bà Nancy đã bị suy giảm mạnh sức khỏe sau khi bị ngã tại nhà hồi năm 2012 và gãy 3 chiếc xương sườn. Trước đó, bà cũng bị gãy xương chậu vào năm 2008.

Nhưng dù có sức khỏe yếu, bà vẫn tích cực hoạt động trong chính trị và các lĩnh vực khác như nghiên cứu về tế bào gốc. Bà từng ủng hộ ông Mitt Romney trở thành Tổng thống Mỹ hồi năm 2012.

Trong ngày Chủ Nhật, Tổng thống Mỹ Barack Obama, các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W Bush đều đã gửi lời chia buồn và ca ngợi bà Nancy. Nhiều người dân Mỹ cũng đã đến đặt hoa tỏ lòng kính trọng bà Nancy tại cổng ra vào Thư viện và bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan ở Simi Valley, California.

Bà Nancy trong một bức ảnh chụp năm 1949 (Nguồn: Daily Mail)

Bà Nancy sinh tại thành phố New York vào năm 1921. Trong giấy khai sinh, bà có tên Anne Francis Robbins, nhưng mọi người đều gọi bà là Nancy ngay từ đầu.

Bà là con của Edith Luckett, một nữ diễn viên trên sân khấu Broadway, còn cha đẻ Kenneth Robbins hành nghề bán xe hơi. Nhưng chỉ vài tháng sau khi bà chào đời, họ ly hôn.

Nancy ở với mẹ đẻ, nhưng do người mẹ phải đi diễn liên tục nên bà ở với dì cho tới năm lên 6 tuổi.

Năm 1929, bà Edith tái hôn và người chồng mới đồng ý nuôi cả Nancy nên bà đã dọn tới sống ở Chicago. Bà Nancy theo học tiếng Anh và diễn kịch tại một trường cao đẳng ở Chicago và sau đó là đại học ở Massachusetts.

Khi tốt nghiệp, bà dọn về New York và hành nghề diễn xuất như mẹ đẻ. Tháng 3/1949, bà đã ký hợp đồng dài 7 năm với hãng MGM và chuyển tới làm việc ở Hollywood, California, thành ngôi sao trong các phim như "The Next Voice You Hear", vốn đã được ca ngợi bằng những mỹ từ lấp lánh trên tờ New York Times.

Tháng 10/1949, bà gặp ông Ronald Reagan lần đầu và lập tức cảm mến nhau. Họ kết hôn vào năm 1952 và xuất hiện cùng nhau trong phim "Hellcats Of The Navy" vào năm 1956.

Đám cưới của ông bà Reagan diễn ra vào năm 1952 (Nguồn: Daily Mail)

10 năm sau, ông Ronald Reagan bắt đầu tham gia chính trường và năm 1967, ông trở thành Thống đốc California. Bà Nancy nhanh chóng trở nên nổi bật nhờ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, như mở chương trình kết nối những người già cô đơn với trẻ em đang cần được chăm sóc. Chương trình này vẫn còn hoạt động cho tới tận hôm nay.

Vì các nỗ lực đó, bà được nhiều tờ báo như Los Angeles Times và Time ca ngợi. Vợ chồng bà cũng được Tổng thống Richard Nixon giao cho nhiệm vụ đại diện nước Mỹ tham gia nhiều sự kiện trên thế giới.

Họ từng dự lễ khai trương Trung tâm văn hóa Mỹ ở Philippines vào năm 1969, gặp gỡ nhiều quan chức tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan trong năm 1971.

Khi nhiệm kỳ thống đốc thứ hai của Reagan kết thúc, ông không tái tranh cử mà hướng sự chú ý tới Nhà Trắng. Ông thách thức Tổng thống Gerald Ford, tìm cách giành lấy sự đề cử của phe Cộng hòa vào năm 1976, nhưng không thành công.

Năm 1980, sau khi đã tham vấn bà Nancy kỹ càng, ông lại ra tranh cử ghế tổng thống lần nữa. Chính bà Nancy đã thắp lửa cho chiến dịch vận động của ông Reagan. Bà tổ chức, tham dự hàng loạt sự kiện, cuộc họp và cuộc vận động để tăng sự ủng hộ mà cử tri dành cho chồng.

Martin Anderson, cố vấn chính sách đối nội của ông Reagan trong chiến dịch tranh cử 1980, đã viết trong cuốn hồi ký "Revolution" rằng bà Nancy là một nhân vật "tích cực, đã tham gia vào mọi cuộc thảo luận quan trọng diễn ra trong quá trình vận động tranh cử."

"Bà ấy rất thông minh, với khả năng đưa ra các câu hỏi xuyên thấu tâm can người đối thoại. Trên hết, khả năng ra quyết định của bà về các vấn đề chính sách công, chiến lược chính trị và nhân sự là vô cùng xuất sắc," ông ca ngợi.

  

Sau khi chồng đắc cử, bà tiếp tục gây ảnh hưởng. Bà là nhân vật chủ chốt giúp chồng thoát khỏi bê bối Contra Iran. Bà cũng khuyên ông có quan điểm mềm mỏng hơn với Liên Xô. Bà phản đối can thiệp quân sự vào Nicaragua, khuyên chồng không cắt phúc lợi quá nhiều để đầu tư cho chương trình phòng thủ tên lửa Star Wars...

Theo tác giả HW Brands, người viết cuốn Reagan: The Life (Reagan: Một cuộc đời), ông Reagan dựa quá nhiều vào vợ tới mức đã gọi bà là "mẹ." Biệt danh này không chỉ bởi Nancy sinh cho ông 2 đứa con, mà còn vì bà mang tới cảm giác an toàn, như thời gian ông còn sống với mẹ đẻ.

Giai đoạn sau này trong cuộc đời, Nancy trở thành người chăm sóc chủ yếu cho Ronald Reagan, khi ông chật vật chống lại căn bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer trong 10 năm.

Nancy bên quan tài ông Ronald trong đám tang diễn ra hồi năm 2005 (Nguồn: Daily Mail)

Năm 1999, Nancy xuất hiện trong chương trình C-Span, sau 5 năm chăm sóc chồng, để nói về trải nghiệm của bà.

"Đây có lẽ là căn bệnh tồi tệ nhất," bà nói. "Bởi bạn bị đứt sợi dây liên lạc và không thể chia sẻ với người khác. Trong trường hợp của chúng tôi là sẻ chia tất cả các ký ức tuyệt vời mà chúng tôi đã có với nhau."

Bà Nancy qua đời để lại hai đứa con đã có với ông Reagan là Patricia Ann và Ronald Prescott.

Bà sẽ được mai táng tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Simi Valley, California, cạnh chồng Ronald./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục