Sáng 20/9, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành trong 10 tháng qua (1/10/2015 đến 31/7/2016); ra mắt trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án Nhân dân dự kiến thực hiện thí điểm trong thời gian tới.
10 tháng, giải quyết 320.513 vụ án các loại
Ông Phạm Quốc Hưng, Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết trong 10 tháng qua, các Tòa án giải quyết 320.513 vụ án các loại trong tổng số 418.374 vụ án đã thụ lý (đạt 76,6% và tăng hơn cùng kỳ năm trước 25.192 vụ). Số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ; đã hạn chế ở mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan.
Việc tranh tụng tại các phiên tòa được đẩy mạnh; số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh; tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân Tối cao và các Tòa án Nhân dân cấp cao đã giải quyết 2.974 đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Chất lượng giải quyết được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp các trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm...
Thực hiện bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các tòa án đã thụ lý 7 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án, giải quyết dứt điểm 1 vụ.
Lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có một số vụ việc oan sai được xét xử từ nhiều năm trước nhưng mới được phát hiện bị oan và dư luận rất quan tâm, như vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ việc của ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh)...
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Phạm Quốc Hưng cho biết ngành Tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời hạn quy định của pháp luật, khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân; khẩn trương giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan khi phát hiện có việc xét xử oan.
Ngành Tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn và hướng dẫn áp dụng thông nhất pháp luật...
Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử
Tại họp báo, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao đã thông tin, giải đáp những vấn đề được phóng viên quan tâm.
Thông tin về việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, ông Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử là nhiệm vụ hiến định; một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Tòa án Nhân dân Tối cao phải tập trung thực hiện.
Nhiệm vụ này được thực hiện chủ yếu thông qua 3 phương thức: ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ; trao đổi và giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ.
Cụ thể, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Chu Thành Quang cho biết trong 10 tháng qua, để bảm đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành 3 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, 1 Thông tư của Chánh án; phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành 4 Thông tư liên tịch.
Đáng chú ý là Nghị quyết số 01/2016/HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7, Bộ luật Hình sự năm 2015; Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 26/01/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại Toà án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên).
Đối với công tác phát triển án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn và đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cho biết phát triển án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử được nhìn nhận là một trong những thành công của cải cách tư pháp; là phương thức mới để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tạo lập tính ổn định, minh bạch và công bằng trong các phán quyết của Tòa án.
Sau khi ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tháng 4/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành được 6 án lệ.
Hiện tại Tòa án Nhân dân Tối cao đang tích cực triển khai các bước để ban hành thêm một số án lệ trong tháng 10 tới đây.
Về trao đổi và giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ, ông Chu Thành Quang cho biết, đây là giải pháp hiệu quả, được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xét xử.
Năm 2016, công tác này đã được tăng cường cả về phương thức thực hiện và chất lượng hoạt động.
Trong 10 tháng qua, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành hơn 30 công văn trao đổi về nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh-thương mại, lao động...
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng với việc công bố Danh mục 195 quy định có lợi cho người phạm tội phải áp dụng kể từ ngày 1/7/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao đã hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng một số quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội.
Đang thương lượng bồi thường các vụ án oan sai
Thông tin thêm việc giải quyết hai vụ giải quyết oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn cho biết đối với vụ ông Nén, Tòa án Nhân dân Tối cao đang chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm bồi thường, nhất là Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Đến nay, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận và các luật sư, người đại diện hợp pháp của ông Nén đang trao đổi, thỏa thuận, thương lượng vấn đề bồi thường.
Vụ ông Thêm, thuộc trách nhiệm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội và hiện đang trong quá trình thương lượng.
Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang hướng dẫn người bị oan (ông Thêm) thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vấn đề thiệt hại, để việc bồi thường đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sau khai các bên thương lượng thành sẽ chuyển hồ sơ về Tòa án Nhân dân Tối cao thẩm định.
Sau khi thẩm định xong, Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ đề nghị Bộ Tài chính thẩm định lần cuối và ra quyết định chuyển tiền, để bồi thường cho ông Thêm.
Còn nếu các bên thương lượng không thành, người bị hại phải khởi kiện ra tòa. Lúc đó, tòa lại giải quyết vụ kiện bồi thường cho người bị oan theo quy định của pháp luật.
Xung quanh việc xử lý đối với những người giải quyết vụ án của ông Thêm và ông Nén, Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết ở góc độ quản lý, Tòa án Nhân dân Tối cao với trách nhiệm của mình sẽ yêu cầu các cá nhân có liên quan phải kiểm điểm, đồng thời xem xét hình thức kỷ luật.
Tuy nhiên, vụ việc liên quan đến ông Thêm diễn ra từ những năm 70 và những người tham gia xét xử đã nghỉ hưu. Đối với vụ ông Nén, sau khi xác định bị oan, Tòa án Nhân dân Tối cao đã yêu cầu kiểm điểm đối với Hội đồng xét xử phiên tòa đó. Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chủ tọa phiên tòa đó phải kiểm điểm.
Hiện nay, Chủ tọa phiên tòa của vụ án ông Nén đang điều trị bệnh nên việc tổ chức kiểm điểm chưa tiến hành được.
Cũng tại họp báo, đại diện các đơn vị của Tòa án Nhân dân Tối cao đã thông tin, giải đáp các nội dung về việc triển khai thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án Nhân dân; việc thành lập Tòa gia đình và vị thành niên.../.