Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế, lần đầu tiên, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được đưa ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV trên cơ sở Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tiếp tục được đưa ra thảo luận trong phiên họp trực tuyến chiều 22/10.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế
Khởi đầu từ việc Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành ngày 20/4/2007, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước thời gian qua, đến nay, qua hơn 10 năm triển khai, Pháp lệnh phát sinh nhiều điểm chưa thống nhất về kỹ thuật, gây khó khăn cho việc giải thích và thực hiện.
[Nhiều ý kiến khác nhau về mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế]
Do đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định trong Pháp lệnh như thỏa thuận quốc tế cấp cục, tổng cục, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…
Việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Đồng thời hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Sự cần thiết phải ban hành
Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết Thỏa thuận quốc tế, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến, việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã cần được cân nhắc thận trọng do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định.
Do đó, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tránh dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một số nội dung trong dự thảo Luật. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu ý kiến, dự Luật cần bổ sung một số nội dung yêu cầu bắt buộc đối với thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư tại mục 1 về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế của Tờ trình đã nêu.
Thực tế trong thời gian vừa qua đã phát sinh một số tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài. Các tranh chấp này có thể phát sinh do cam kết của các địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Vì vậy, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đại biểu đề nghị luật cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc trong thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đặc biệt đối với các thỏa thuận quốc tế là bảo lãnh Chính phủ bao gồm điều kiện tiên quyết để được ký thỏa thuận quốc tế; các trường hợp cho phép bên ký kết Việt Nam được quyền chấm dứt thỏa thuận quốc tế; tài sản bảo đảm về quyền truy đòi.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Ủy ban Nhân dân cấp xã. Nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần xác định phạm vi điều chỉnh Điều 1 của Luật này không bao gồm các thỏa thuận quốc tế về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về nội dung viện trợ phi chính phủ, về nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Về ký kết thỏa thuận quốc tế (chương 2), đại biểu đề nghị rà soát quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế tại dự thảo luật để đảm bảo sự thống nhất. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về việc quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thẩm quyền của các chủ thể ký kết./.