Nâng hiệu quả tuyến thông tin phản hồi trên ấn phẩm TTXVN

Nâng cao hiệu quả tuyến thông tin phản hồi trên ấn phẩm TTXVN

Để nâng cao hiệu quả tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, các đơn vị cần cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có tính chuyên sâu nghiệp vụ.
Nâng cao hiệu quả tuyến thông tin phản hồi trên ấn phẩm TTXVN ảnh 1Một số ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam. (Nguồn: ict-hanoi.gov.vn)

"Nâng cao hiệu quả tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam" là chủ đề Hội thảo khoa học do Ban biên tập tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam tổ chức chiều 7/11 tại Trung tâm thông tấn quốc gia.

Hơn mười tham luận rình bày tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch là tuyến tin mang tính phản bác, tính chiến đấu rất cao, liên quan đến những vấn đề nóng, nhạy cảm thuộc tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... Nói cách khác, tuyến tin này là vũ khí trên mặt trận đấu tranh dư luận để góp phần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, bảo vệ an ninh chính trị, tư tưởng, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các giá trị văn hóa, bảo vệ các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Mặt khác, tuyến tin này lại là tuyến tin khó, mang tính chính luận cao, đòi hỏi người thực hiện không chỉ giỏi, sắc sảo về nghiệp vụ báo chí mà còn phải am hiểu các lĩnh vực liên quan, có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh về nghề nghiệp, trung thực và kiên định quan điểm, lập trường.

Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Quốc Uy đã đề xuất 16 giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Uy nhấn mạnh giải pháp về tổ chức nhân sự nên theo hướng chuyên môn hóa, từ những người chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo và điều hành thông tin ở cả ba cấp đến các phóng viên trực tiếp thực hiện tuyến tin này; phải làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm bắt kịp dư luận xã hội, nhất là dư luận thuộc dạng tin đồn để kịp thời chỉ đạo thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch; tăng cường trao đổi, phối hợp thông tin với các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp đấu tranh thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch.

Tiễn sỹ Nguyễn Minh Phong (Báo Nhân dân) và đại tá Đỗ Phú Thọ (Báo Quân đội nhân dân) đã nêu kinh nghiệm thực hiện thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch. Kinh nghiệm đó là phải có sự định hướng, chỉ đạo rất tập trung, thống nhất của Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ban, ngành có liên quan trước những vấn đề, sự kiện cần phải thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch; phải tổ chức “đội phản ứng nhanh” để thực hiện ngay tức thì các chủ đề “nóng” về thông tin; xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia từng lĩnh vực để đấu tranh thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch một cách có hiệu quả.

Nguyên Trưởng Ban biên tập tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam Vũ Xuân Bân đã tham luận “Nội dung nâng cao chất lượng và số lượng thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch và các yếu tố tác động đến việc nâng cao chất lượng, số lượng tuyến thông tin này của Thông tấn xã Việt Nam” đã phân tích cơ sở pháp lý để Thông tấn xã Việt Nam mà trước hết là Ban biên tập tin trong nước thực hiện thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch.

Tham luận cũng đã chỉ rõ đối tượng đấu tranh thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch không chỉ xuất phát từ thông tin bên ngoài dội vào mà ngay cả những phương tiện thông tin trong nước đây đó có lúc thông tin sai lệch, thất thiệt, tạo dư luận xấu, tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế xã hội của đất nước.

Tham luận của Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Lê Quốc Minh và Trưởng Ban biên tập tin đối ngoại Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Văn Hợp đã đề cập sự cần thiết phải đa dạng hóa thể hiện thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, khắc phục thể hiện theo lối mòn, khô cứng, thiếu tính thuyết phục, đồng thời phải xác định nhóm đối tượng để phản bác, phản biện sát hợp. Trong khi chưa có nhiều cây viết giỏi về chủ đề này cần mạnh dạn đặt bài các chuyên gia viết phân tích có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu đấu tranh thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, trên cơ sở đó lôi kéo các nhà báo trẻ tham gia viết tuyến thông tin này.

Phó Trưởng Ban biên tập tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thiện Thuật, Chủ nhiệm Đề tài, đã kết luận hội thảo rất bổ ích về nghiệp vụ báo chí với bảy vấn đề cần lưu ý phát huy sau hội thảo.

Theo ông Nguyễn Thiện Thuật, để “Nâng cao hiệu quả tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam” cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp có thẩm quyền; cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có tính chuyên sâu nghiệp vụ; sự phối hợp của các ban biên tập, các tòa soạn ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam với các cơ quan báo chí ngoài ngành thông tấn; cần dự báo tình hình, nắm dư luận xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện các đề tài; cần có chính sách đãi ngộ, thu hút đội ngũ chuyên gia, các phóng viên, biên tập viên giỏi để tham gia đấu tranh thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục