Nâng cao hơn hiệu quả phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng

Bốn cơ quan báo chí đã sản xuất nhiều chương trình, phóng sự, dành nhiều thời lượng phản ánh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng...
Nâng cao hơn hiệu quả phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng ảnh 1Các đại biểu chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 18/12, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế, Chương trình phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với 4 cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam (các cơ quan phối hợp) trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng (2016-2021) đã diễn ra tại Hà Nội.

Chủ trì Hội nghị có: ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Trần Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

Theo Báo cáo tại Hội nghị, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ, sự quan tâm của lãnh đạo năm cơ quan phối hợp, công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp 5 năm qua đã được tiến hành thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn, giúp các cơ quan cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao.

Chất lượng thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng ngày càng được nâng cao. Hình thức tuyên truyền có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng tính hấp dẫn và khả năng tương tác cao với độc giả. Bốn cơ quan báo chí đã sản xuất nhiều chương trình, phóng sự, dành nhiều thời lượng phản ánh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giám định tư pháp…

Tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Ban Biên tập, Ban Chính trị-Xã hội, Ban Xây dựng Đảng của Báo Nhân Dân đặc biệt quan tâm. Các tin, bài về lĩnh vực này luôn được ưu tiên cập nhật trên trang 1 và trang 8. Trong đó, trên trang 8 hàng ngày thường xuyên có những bài viết đề cập chủ đề phòng, chống tham nhũng tại các địa phương, đơn vị, bộ, ngành; trên trang 4 - chuyên trang Nhà nước và pháp luật vào thứ Sáu hàng tuần thường xuyên đăng bài của các chuyên gia, phóng viên phản ánh khá cụ thể xung quanh việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng.

[Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng]

Trên các sản phẩm của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn duy trì và bảo đảm các nội dung thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác thu hồi tài sản. Thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng được các đơn vị của TTXVN thực hiện bằng nhiều loại hình (tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa).

Các đơn vị của TTXVN đã tổ chức nhiều chuyên mục như “Đại hội Đảng khóa XIII,” “Nội chính,” “Văn bản, chính sách mới,” “Xây dựng Đảng-Đoàn thể.” “Pháp luật,” “An ninh trật tự,” "Theo dòng sự kiện"… Từ tháng 6/2016 đến 30/5/2021, các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN đã sản xuất, đăng phát trên 20.000 tin, bài, hơn 5.000 ảnh, gần 800 tin, phóng sự truyền hình và đồ họa về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN đã khai thác, biên tập, dịch sang 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha và Nga với hơn 8.000 tin, bài; Truyền hình Thông tấn thực hiện 800 tin, phóng sự, chuyên mục về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Hàng nghìn tin, hình ảnh, phóng sự tuyên truyền trên các bản tin và trên hệ thống các chuyên mục, được phát sóng trên khung “giờ vàng” của Đài Truyền hình Việt Nam, điển hình là các chương trình: “Đảng trong cuộc sống hôm nay,” “Quốc hội cử tri,” “Vấn đề hôm nay,” “Sự kiện bình luận”…; nhất là loạt chuyên đề, phóng sự như “Nhận diện suy thoái,” “Hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng,” “Kiểm soát quyền lực”...

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thực hiện gần 2.000 chương trình chuyên đề, gần 3.000 bài viết bình luận-phóng sự điều tra và hơn 5.000 tin, bài về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Trên tất cả các kênh thời sự VOV1, VOV2, VOVTV, VTC1, VOV.VN, VTC News… thực hiện nhiều chuyên đề với thời lượng từ 10-45 phút trong các khung “giờ vàng” để bàn luận, phân tích về thực trạng tham nhũng, các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả, những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng...

Công tác thông tin, tuyên truyền đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa.”

Tại Hội nghị, các tham luận đã làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trong công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Nâng cao hơn hiệu quả phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng ảnh 2Bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thông tấn" tặng lãnh đạo và đơn vị đầu mối Ban Nội chính Trung ương. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các ý kiến đề nghị tiếp tục phối hợp bài bản, có chiều sâu về công tác Nội chính Đảng. Trong tuyên truyền, không chỉ chú trọng đưa tin mà cần mở rộng theo chuyên đề chuyên sâu, đề cập tới các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; tăng cường giới thiệu các tấm gương tiêu biểu, những cách làm hay trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng phối hợp giữa các cơ quan, thông tin định kỳ về kết quả đã làm được. Bên cạnh việc quan tâm tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, cần tập trung thông tin về công tác phòng, chống tiêu cực; tuyên truyền sâu rộng về công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt cần có sự định hướng thông tin kịp thời về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cung cấp thông tin về các vấn đề dư luận quan tâm, nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng, phức tạp xã hội quan tâm cho các cơ quan phối hợp…

Vai trò xung kích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cảm ơn các cơ quan báo chí đã quan tâm phối hợp, đưa tin kịp thời các hoạt động của Ban Nội chính Trung ương; phối hợp giúp Ban Nội chính Trung ương xây dựng phim tư liệu truyền thống 55 năm Ngành Nội chính Đảng để lại dấu ấn tốt, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Ngành Nội chính Đảng.

Ông khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá, tham nhũng từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp chúng ta nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Trạc, việc thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn có tồn tại, hạn chế cần quan tâm chỉ đạo, khắc phục, nhất là: phối hợp cung cấp thông tin, định hướng tuyền truyền việc xử lý một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm có lúc chưa kịp thời; phối hợp xây dựng, phát hành các bài viết, chuyên đề, trả lời phỏng vấn... những nội dung chuyên sâu về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp còn hạn chế; phối hợp trong phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa được nhiều; việc định kỳ trao đổi rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa được thường xuyên…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh việc tiếp tục phối hợp tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên. "Công tác tuyên truyền phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo lâu dài; phải làm cho cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp nhận thức sâu sắc tính lâu dài, tính phức tạp của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,” ông Phan Đình Trạc nêu rõ.

Công tác tuyên truyền của báo chí phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Phan Đình Trạc yêu cầu phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao hơn hiệu quả phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng ảnh 3Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật; phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phản ánh, dư luận quan tâm.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp cung cấp thông tin, định hướng tuyên tuyền việc xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm; các vụ việc, vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo xử lý.

Nhấn mạnh Ban Nội chính Trung ương phải chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, ông Phan Đình Trạc nêu rõ: "Đảm bảo việc thông tin của các cơ quan chúng ta phải khách quan, chính xác, kịp thời, nhạy bén và đi trước. Vừa để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân, vừa không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là phối hợp thông tin kịp thời trước, trong và sau xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến an ninh quốc gia, việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, dư luận đặc biệt quan tâm và các cuộc hội thảo, tọa đàm về các nội dung trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa."

Đồng thời, phối hợp tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kết quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Nghiên cứu có thể tổ chức họp báo hoặc giao ban hàng quý giữa Ban Nội chính Trung ương và Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thống tấn xã Việt Nam để thông tin, tuyên truyền về kết quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp...

Ông Phan Đình Trạc yêu cầu tiếp tục phối hợp thông tin kịp thời hoạt động của hai Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương-Cơ quan thường trực của hai Ban Chỉ đạo. Nhất là thông tin kịp thời các phiên họp của hai Ban Chỉ đạo, các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các Đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo, thành viên hai Ban Chỉ đạo...

Ông mong rằng sau Hội nghị này sự phối hợp giữa 5 cơ quan chặt chẽ hơn nữa, thực chất hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã trao 15 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” và 16 Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương tặng 16 tập thể và cá nhân thuộc 4 cơ quan báo chí.

Bốn cơ quan báo chí đã trao 6 Kỷ niệm chương tặng lãnh đạo và đơn vị đầu mối Ban Nội chính Trung ương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục