Nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề biến đổi khí hậu

Trung tâm vì Con người và Rừng tổ chức tập huấn cho phóng viên về nâng cao nhận thức cho công chúng trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC) đã tổ chức hội thảo tập huấn cho phóng viên về các vấn đề hiện tại liên quan tới biến đổi khí hậu và giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD).

Là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, Trung tâm vì Con người và Rừng hướng tới nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, các hành động cần thiết để ứng phó và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tới người dân, chuyên phát triển năng lực cho lâm nghiệp cộng đồng.

Từ năm 2009 đến nay, RECOFTC triển khai Dự án Tăng cường năng lực cho các bên có liên quan đến lâm nghiệp cấp cơ sở, nhằm giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD) khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, Dự án này đã được thực hiện trên 4 tỉnh gồm Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Cà Mau.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên quốc gia Chương trình Quốc gia Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết hiện nay Việt Nam đã có khung chính sách thực thi Chương trình phục hồi rừng để nâng cao dự trữ carbon, thông qua trồng mới và gây dựng lại rừng trên diện tích đất trống từ lâu đã được thừa nhận, bởi các bên tham gia Thỏa thuận khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Về lâu dài, Chương trình phục hồi rừng để nâng cao dự trữ carbon, thông qua trồng mới và gây dựng lại rừng có thể giúp cải thiện sinh kế và đóng góp cho quá trình giảm nghèo; đồng thời là cơ hội cho người dân nhận đền bù không chỉ từ việc hạn chế phá rừng, mà còn giữ rừng trong tương lai.

Các cộng đồng có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ môi trường, thực phẩm, sản phẩm thô và thuốc trong khi vẫn chi trả cho việc quản lý rừng bền vững. Cơ chế phục hồi rừng để nâng cao dự trữ carbon còn có thể làm rõ quyền sử dụng đất cho người dân địa phương. Mặt khác thiết lập cơ chế đồng thuận và khiếu nại, tăng cường hệ thống quản trị rừng ở cấp địa phương và quốc gia.

Qua hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất cần làm rõ quyền sử dụng đất và quyền đối với tài nguyên rừng dự kiến trong dự án. Bởi đây là một quá trình khó khăn và kéo dài ở các quốc gia có rừng nhiệt đới, nơi mà quyền sử dụng đất không rõ ràng và quản trị không hiệu quả.

Trong một số trường hợp, quyền sử dụng đất theo tập quán của người dân bản địa và cộng đồng phụ thuộc vào rừng nhưng không được công nhận, đã và đang là trở ngại cho Chương trình phục hồi rừng để nâng cao dự trữ carbon, thông qua trồng mới và gây dựng lại rừng.

Do đó, cần phải có một kế hoạch truyền thông về Chương trình phục hồi rừng để nâng cao dự trữ carbon, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, được chuyển tải tới các thành viên của cộng đồng và các bên liên quan.

Đặc biệt, hoạt động truyền thông với mỗi cộng đồng phải bằng ngôn ngữ mà cộng đồng nói và sử dụng ở mức cộng đồng có thể hiểu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục