Nâng cao nhận thức về hoạt động đánh giá, quản lý công nghệ

Nhiều tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp ở Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động đánh giá, quản lý về công nghệ, cũng như thiếu chiến lược phát triển, đổi mới công nghệ phù hợp.
Ứng dụng công nghệ cao trong quá trình bảo quản sữa bò. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đánh giá và quản lý công nghệ để phát hiện, phát triển, vận hành và sử dụng hợp lý công nghệ, đảm bảo tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm từ công nghệ; đánh giá và định giá công nghệ tốt giúp các tổ chức, doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình.

Đây là vấn đề được ông Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng Viện Đánh giá Khoa học và Định giá công nghệ nêu ra tại Hội thảo quốc tế "Đánh giá và quản lý công nghệ trong các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu", tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, việc xây dựng các hành lang pháp lý để đánh giá và quản lý công nghệ luôn gắn liền với hoạt động khoa học và công nghệ.

Cùng với nỗ lực xây dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng và hình thành cơ bản các công cụ chính sách hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, tại các tổ chức nghiên cứu trong mối quan hệ tương tác với các doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu-phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã dành nhiều quan tâm, đầu tư nguồn lực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ đã đặt ra yêu cầu về đánh giá hoạt động quản lý, đánh giá công nghệ trong các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp để có được các dữ liệu, luận cứ khả thi phục vụ hoạch định các chính sách, cơ chế hỗ trợ một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, hơn 10 Chương trình khoa học và công nghệ ở quy mô quốc gia có các nội dung nhiệm vụ hướng đến việc hỗ trợ việc nghiên cứu phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam - Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá công nghệ sẽ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cấp quản lý, tổ chức nghiên cứu, cá nhân và doanh nghiệp về tầm quan trọng, vai trò của hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Về lâu dài chắc chắn sẽ tạo thành thói quen và động lực để cả xã hội tăng cường các nguồn lực đầu tư cho hoạt động đổi mới, phát triển công nghệ.

Đánh giá và quản lý công nghệ không phải là hoạt động mới mẻ trên thế giới, tuy vậy nhiều tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động đánh giá, quản lý về công nghệ, cũng như thiếu chiến lược phát triển, đổi mới công nghệ phù hợp.

Những điều đó trở thành rào cản lớn cho việc thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ nói chung.

Hội thảo do Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia tổ chức, tạo cơ hội để các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, nhà quản lý... chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đưa ra những sáng kiến để quản lý hiệu quả công nghệ, nâng tầm cạnh tranh của tổ chức của mình dựa vào công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục