Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ: “Chìa khóa” cho phát triển bền vững

Khi được trao cơ hội, được trang bị kiến thức và kỹ năng đầy đủ, phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành những người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng.

Việc ứng dụng công nghệ trong chương trình của Nestlé giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, kiến thức và cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn. (Ảnh: Vietnam+)
Việc ứng dụng công nghệ trong chương trình của Nestlé giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, kiến thức và cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ là một hướng đi cần thiết. Những kiến thức và kỹ năng về công nghệ sẽ giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, mở rộng mạng lưới kinh doanh và tự tin hơn trong thời đại mới.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tập huấn “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” diễn ra ngày 5/12 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD) thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Nestlé Việt Nam tổ chức.

Hiệu quả từ mô hình đồng hành cùng phụ nữ

Theo bà Trương Thị Thu Thủy, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhưng năm qua, Hội đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo cơ hội bình đẳng, hội nhập thông qua các Chương trình và đề án...

Đánh giá cao Chương trình "Nestlé Đồng hành cùng Phụ nữ" giai đoạn 2022-2027, bà Thủy cho hay chương trình "tập trung vào các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ số và hỗ trợ khởi nghiệp, tăng thu nhập cho phụ nữ. Mục tiêu của chương trình là góp phần xây dựng "Người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" đồng thời hiện thực hóa các tiêu chí gia đình "5 có-3 sạch" và hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện trong thời kỳ chuyển đổi số.

9.jpg
Bà Thủy cho biết về lâu dài, các mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng để thúc đẩy chia sẻ các quan điểm về bình đẳng giới cũng như là giúp người phụ nữ có thêm nhiều kiến thức để mà trong công cuộc hỗ trợ cho gia đình cũng như phát triển cái sinh kế của mình. (Ảnh: Vietnam+)

Đến nay, chương trình ghi nhận đã có 21.750 phụ nữ tham gia tập huấn về kiến thức dinh dưỡng, an toàn sức khỏe với 1.840 cái mô hình sinh kế được khởi tạo và duy trì. Theo đó, khoảng 1,7 triệu hộ gia đình đã được tiếp cận, hưởng thụ từ chương trình.

Chỉ ra những nhân tố đưa đến sự thành công từ chương trình, bà Thủy nhấn mạnh việc doanh nghiệp nhận diện được ra các tổ chức, đoàn thể đang hướng tới phát triển bền vững và có “khát khao, nhiệt huyết” tham gia vào thúc đẩy bình đẳng giới để cùng hợp tác. Đặc biệt là yếu tố “tôn trọng” đối tác để thích ứng và hài hòa trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong các hoạt động định hướng hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng cho kinh tế cho phụ nữ. Ở góc độ quản lý, bà Thủy cho rằng doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng “lăn lộn” vận động cùng chương trình vì một mục đích lâu dài là yếu tố căn cơ nhất.

Đặc biệt, bà Thủy nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các địa phương trong quá trình đưa chương trình này vào cuộc sống.

“Các yếu tố nêu trên cũng là bài học kinh nghiệm làm nên sự bền vững của chương trình. Điều này đã mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên tham dự chương trình và tổ chức hội. Chỉ có lợi ích thiết thực mới gắn bó được người dân song hành cùng chương trình,” bà Thủy nói.

Tự hào chia sẻ về những kết quả ấn tượng mà địa phương đạt được khi tham gia chương trình. Bà Trần Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết qua các hoạt động triển khai thực hiện chương trình "Nestlé Đồng hành cùng Phụ nữ" đã giúp cho các thành viên có thêm kiến thức về dinh dưỡng, về ứng dụng công nghệ thông tin và có cơ hội tiếp cận bắt đầu với khởi nghiệp kinh doanh từ đó có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.

Bà Phượng chia sẻ thêm chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn tỉnh. Bà cũng nhấn mạnh việc lồng ghép chương trình với các đề án, dự án khác của Hội như Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" nhằm tối ưu hóa hiệu quả và tạo ra tác động lan tỏa.

Kinh doanh vì giá trị chung

Nói về chương trình "Nestlé Đồng hành cùng Phụ nữ,” ông Trần Duy Vũ, Trưởng ngành hàng Thực phẩm, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Phát triển Nông thôn Nestlé Việt Nam, cho hay ngay từ đầu, song song với việc thúc đẩy phát triển bền vững, Nestlé xác định rằng nâng cao quyền năng phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như trong toàn chuỗi giá trị là một trong những ưu tiên trọng tâm của tập đoàn.

Theo ông, ba mục tiêu trọng tâm của chương trình là: Truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng và bình đẳng giới; Hỗ trợ phụ nữ xây dựng sinh kế bền vững; Xây dựng địa chỉ tin dùng cho phụ nữ và cộng đồng.

Mặt khác, ông Vũ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong chương trình, giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, kiến thức và cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD, thuộc VCCI) cho biết VBCSD luôn nỗ lực trong việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và thực hành yếu tố “S” (Xã hội) trong bộ khung ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị). Thêm vào đó, VBCSD lồng ghép các yếu tố “Đa dạng, Bình đẳng và Bao trùm (DE&I)” vào Bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI). Đây là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quản trị công ty bền vững. Trên cơ sở đó, VBCSD đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) hàng năm, tạo diễn đàn thảo luận và khuyến nghị về các vấn đề xã hội, bao gồm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Sự đồng hành của các cơ quan truyền thông lan tỏa những câu chuyện, những tấm gương sáng, sẽ góp phần khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên trong mỗi người phụ nữ vào trong công cuộc phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. (Ảnh: Vietnam+)

Sự đồng hành của các cơ quan truyền thông lan tỏa những câu chuyện, những tấm gương sáng, sẽ góp phần khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên trong mỗi người phụ nữ vào trong công cuộc phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. (Ảnh: Vietnam+)

Dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy việc đầu tư vào yếu tố “S” không chỉ mang lại lợi ích xã hội mà còn tạo ra giá trị kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp, ông Huy chia sẻ: “Theo Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, việc giảm thiểu phân biệt giới tính có thể giúp GDP toàn cầu tăng lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Và, các doanh nghiệp chú trọng DE&I có thể đạt mức tăng trưởng đầu tư cao hơn 35% và tăng trưởng doanh số bán hàng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Harvard Business School cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp có danh tiếng xã hội tốt có thể giảm chi phí vốn chủ sở hữu từ 2-5%.”

“Với cách tiếp cận đó, chúng tôi tại đánh giá cao nỗ lực của Nestlé và Trung ương Hội phụ nữ thông qua Chương trình Nestle đồng hành cùng phụ nữ. Đây là chương trình hợp tác sáng tạo, hiệu quả trong nỗ lực nâng cao quyền năng cho phụ nữ, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Tham gia các hoạt động thực tiễn tại chương trình, các hội viên, phụ nữ đã được trang bị thêm kiến thức về dinh dưỡng và ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ hội khởi nghiệp từ đó góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển cộng đồng tại địa phương theo hướng lành mạnh, bền vững,” ông Huy nói.

Bà Trương Thị Thu Thủy thì cho biết cho biết về lâu dài, các mô hình thành công như Nestle đồng hành cùng phụ nữ sẽ tiếp tục được nhân rộng để thúc đẩy chia sẻ các quan điểm về bình đẳng giới cũng như là giúp người phụ nữ có thêm nhiều kiến thức để hỗ trợ gia đình cũng như phát triển sinh kế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....