Nâng hạng chứng khoán, Việt Nam có thể thu hút thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư

Nâng hạng thị trường chứng khoán thành công lên thị trường mới nổi có thể mang lại cho Việt Nam thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư, bao gồm cả vốn trực tiếp và gián tiếp.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Nâng hạng thị trường chứng khoán thành công lên thị trường mới nổi có thể mang lại cho Việt Nam thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư, bao gồm cả vốn trực tiếp và gián tiếp.

Đây là thông tin được Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dẫn nguồn từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Các chuyên gia từ KBSV cũng cho rằng, nếu được FTSE Russell chấp thuận vào nhóm thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market), ước tính tỷ trọng của thị trường Việt Nam vào khoảng 0,7-1% trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index, từ đó có thể thu hút từ 800 triệu-1 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các quỹ ETF.

Diễn biễn của thị trường chứng khoán thường có xu hướng tích cực khi có thông tin được thêm vào danh sách theo dõi hoặc chấp thuận nâng hạng chính thức. Các trường hợp điển hình như Chỉ số Karachi của Paskistan đã tăng 300% sau khi được chấp thuận nâng hạng vào năm 2009; Kuwait tăng 53%, Qatar tăng 20%....

Ngoài ra, hầu hết các thị trường trong nhóm thị trường mới nổi hạng hai cũng có mức định giá tích cực hơn, với mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trung bình vào khoảng 15,1 – cao hơn khoảng 20% so với các thị trường cận biên.

Việc thị trường chứng khoán được nâng hạng thường đi kèm với sự tăng cường minh bạch nhờ quy trình quản lý, từ đó tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và đáng tin cậy hơn.

Sau gần 10 năm khởi động tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam hiện tại đang vào những giai đoạn cuối cùng hoàn thành những tiêu chí còn lại để được nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Việc này sẽ đem lại lợi ích về nhiều mặt cho thị trường, đặc biệt là về sự uy tín cũng như khả năng thu hút dòng vốn ngoại.

Hiện nay, đang có 3 tổ chức xếp hạng trên thế giới thực hiện đánh giá, phân loại thị trường đó là FTSE Russell, MSCI và S&P Dow Jones. Việt Nam hiện tại đang nằm ở nhóm thị trường cận biên (Frontier Market) và đều chiếm tỷ trọng lớn trong bộ chỉ số của các tổ chức, lần lượt là 37%, 29% và 12,3% tương ứng với các rổ chỉ số FTSE Frontier Index Series, MSCI Frontier Markets Index và S&P Frontier BMI.

Ngoài ra, Việt Nam đã được FTSE Russel đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi kể từ năm 2018, được MSCI và S&P Dow Jones theo dõi đánh giá định kỳ hàng năm.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất.

Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

Hiện nay, số lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán đang chiếm hơn 90%.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn, từ đó, tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

Nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ thu hút thêm lượng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động chảy vào thị trường, mà cả nguồn vốn của các quỹ đầu tư chủ động và nhiều nhà đầu tư lớn trên toàn cầu sẽ tham gia vào thị trường vốn của Việt Nam.

Theo KBSV, Việt Nam đang gần hơn với cơ hội được xem xét nâng hạng chính thức bởi FTSE Russell. Với số lượng tiêu chí đưa ra đơn giản hơn, cũng như phân chia thị trường mới nổi (Emerging) ra làm 2 cấp độ là tiên tiến (Advanced) và sơ cấp (Secondary), cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng sẽ khả quan hơn đối với tổ chức FTSE Russell.

Trong khi đó, lộ trình dựa theo những tiêu chí của 2 tổ chức còn lại là MSCI và S&P Dow Jones được đánh giá sẽ còn khá xa, khi mà Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một nửa những yêu cầu họ đưa ra.

Tính đến hết kỳ xem xét định kỳ tháng 9/2023, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để được nâng hạng của FTSE Russell.

Hai tiêu chí còn lại chưa đạt yêu cầu là “Chu kỳ quyết toán (DvP)” và “Thanh toán - chi phí liên quan đến giao dịch thất bại.”

FTSE Russell cho rằng, tiêu chí “Chu kỳ quyết toán (DvP)” đang gặp phải rào cản khi Việt Nam vẫn yêu cầu có sẵn tiền trước khi giao dịch, và tiêu chí còn lại không được đánh giá do thị trường không có các giao dịch thất bại, nghĩa là đang không có cơ chế xử lý đối với các giao dịch không thể thanh toán.

Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là đưa Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Với khoảng thời gian còn lại không còn quá dài, các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí để được nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp từ FTSE Russel.

Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì buổi tiếp, làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đoàn công tác của FTSE Russell, Morgan Stanley đã trao đổi thảo luận để đại diện các tổ chức xếp hạng hiểu rõ thêm về nội dung dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (trong đó có nội dung liên quan đến ký quỹ trước giao dịch) mà Bộ Tài chính đang xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi bằng văn bản và các phương tiện thông tin đại chúng.

Đoàn công tác của FTSE Russell, Morgan Stanley chia sẻ, các khách hàng lớn của các tổ chức này đều có phản hồi tích cực và đánh giá cao về những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, cũng như của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhằm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Còn đối với tổ chức xếp hạng MSCI, trong đợt rà soát gần nhất vào tháng 6/2023, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng do mới chỉ đáp ứng 9/18 tiêu chí của tổ chức này.

Các vấn đề này cũng đã được đề cập trong báo cáo định kỳ từ năm 2021 và Việt Nam vẫn chưa có bất cứ sự cải thiện nào trong các tiêu chí mà MSCI đưa ra.

Tổng hợp lại, các tiêu chí chung mà các tổ chức đánh giá hầu hết đều yêu cầu cải thiện đó là ký quỹ trước giao dịch, giao dịch thanh toán; luồng thông tin cung cấp chi tiết bằng các thứ tiếng và hạn chế về room cho nhà đầu tư ngoại.

Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những động thái nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể hơn, đặc biệt liên quan tới vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và công bố thông tin.

Vào ngày 20/03/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xin lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư 120/2020/TT-BTC quy định về giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán; Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

ttxvn_chung khoan viet nam (2).jpg
(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc sửa đổi, bổ sung các thông tư này nhằm mục đích bỏ qua các yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, chỉ yêu cầu có đủ tiền trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch và nghĩa vụ thanh toán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD).

Các công ty chứng khoán có đủ năng lực tài chính mới được cung cấp dịch vụ ký quỹ không cần 100%, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán được bảo lãnh bởi các công ty chứng khoán trong trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền quyết toán. Lộ trình công bố thông tin định kỳ, bất thường bằng tiếng anh dựa theo quy mô các đối tượng công ty niêm yết, công ty đại chúng kể từ ngày 1/1/2025 - 1/1/2028.

KBSV cho rằng, đây sẽ là giải pháp tháo gỡ vướng mắc lớn nhất dựa trên các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell, đặc biệt là vấn đề ký quỹ trước giao dịch. Cơ chế này vẫn đảm bảo được tính công bằng cho nhà đầu tư trong nước bởi hiện nay chỉ có nhóm nhà đầu tư này được sử dụng dịch vụ vay margin (vay ký quỹ).

Do đó, KBSV kỳ vọng lộ trình sớm nhất thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng vào 9/2024 tới đây, chính thức nâng hạng bởi FTSE Russell vào kỳ đánh giá tháng 9/2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục