Tờ Thời báo Nhật Bản mới đây đã đăng bài phân tích về thực trạng phát triển năng lượng tái tạo ở Nhật Bản của tác giả Sumiko Takeuchi, trong đó khẳng định điện Mặt Trời và điện gió là những nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng nhất ở “đất nước Mặt Trời mọc.”
Tuy nhiên, việc đưa điện Mặt Trời và điện gió trở thành nguồn năng lượng chủ lực của Nhật Bản không hề dễ dàng.
Theo bài viết này, khi phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuất phát từ việc tiêu thụ năng lượng, các biện pháp quan trọng nhằm đối phó với hiện tượng Trái Đất ấm lên là tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tạo ra ít khí CO2 hơn.
[Chính sách năng lượng của Nhật Bản đứng trước nhiều khó khăn]
Tuy nhiên, để giảm một cách đáng kể lượng phát thải khí CO2, cần phải chuyển từ các phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện và từ phát điện sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Tại Nhật Bản, việc tăng cường sử dụng năng lượng không phát thải khí CO2 là một nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và điện hạt nhân trong tổng nguồn cung điện năng lên 44% vào năm 2030.
Việc sử dụng năng lượng Mặt Trời đang tăng nhanh ở nước này, nhưng vào năm 2016, tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời và điện gió mới chỉ chiếm 7%, thấp hơn con số 8% của thủy điện.
Việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ phải là một trụ cột chính trong chính sách năng lượng của Nhật Bản tương lai gần.
Có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo ở Nhật Bản. Nhật Bản là nước có tiềm năng về địa nhiệt lớn thứ 3 thế giới nhưng nhiều địa điểm trong số này lại ở khu vực miền núi, nơi hệ thống truyền tải điện dễ bị hư hỏng, hoặc ở các công viên quốc gia, nơi bị quản lý chặt chẽ bởi các quy định về bảo tồn thiên nhiên.
Điều này khiến cho việc khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt trở nên cực kỳ tốn kém và mất thời gian.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có trữ lượng sinh khối rất lớn, nhưng nguồn tài nguyên này không đủ để cung cấp cùng lúc cho nhiều nhà máy điện.
Riêng với thủy điện, các địa điểm có tiềm năng nhất về phát triển thủy điện quy mô lớn ở Nhật Bản đều đã được đưa vào khai thác. Vì vậy, Nhật Bản có rất ít cơ hội để phát triển thêm nguồn năng lượng này.
Trong bối cảnh đó, nhiều người cho rằng nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai của Nhật Bản đó chính là năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ có thể khai thác điện gió ở ngoài biển vì các dự án điện gió trong đất liền đang phải đối mặt với các quy định hạn chế sử dụng đất.
Mặt khác, Nhật Bản vốn dĩ không phải là nước có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo do diện tích hẹp, địa hình chủ yếu là đồi núi và điều kiện thời tiết rất đa dạng.
Tất nhiên, điện Mặt Trời và điện gió là các nguồn năng lượng không phát thải khí CO2 trong quá trình phát điện. Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng này có lợi thế là chi phí cận biên gần như bằng 0 vì không phải tốn tiền mua nhiên liệu. Tuy nhiên, việc phát điện lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Bên cạnh đó, khi tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để phát điện, rất nhiều chi phí phát sinh trong quá trình này như xây dựng thêm các đường dây tải điện mới, mua hệ thống lưu điện và chi phí bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện dự phòng cho các hệ thống này. Điều này đẩy giá thành sản xuất điện và giá bán điện lên cao.
Tại Nhật Bản, hệ thống feed-in tariff (FIT - giá bán điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho lưới điện) đã được đưa vào áp dụng từ năm 2012. Nhược điểm của hệ thống này là chuyển gánh nặng chi phí phát điện sang cho người dân.
Chỉ tính riêng trong tài khóa 2019, gánh nặng chi phí mà người sử dụng điện ở nước này phải gánh ước tính lên tới 2.400 tỷ yen (khoảng 22 tỷ USD). Nếu tính từ khi hệ thống FIT được đưa vào áp dụng hồi tháng 7/2012, gánh nặng chi phí mà người dân nước này phải chịu lên tới 10.000 tỷ yên.
Do vậy, hiện tại, giá điện Mặt Trời ở Nhật Bản cao gần gấp đôi so với Đức mặc dù Nhật Bản nằm ở vĩ độ cao hơn.
Vì thế, điều quan trọng là cần phải cải thiện ngay lập tức hệ thống FIT. Các cuộc thảo luận về việc sửa đổi quyết liệt hệ thống FIT đang diễn ra. Nguyên nhân là do việc giảm giá bán là nhân tố quan trọng nhất để xác định nguồn năng lượng tái tạo nào sẽ trở thành nguồn cung cấp điện năng chủ chốt trong tương lai.
Bên cạnh đó, để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả về mặt chi phí, việc sử dụng lưới điện hiệu quả cũng rất quan trọng. Tăng cường hệ thống truyền tải điện cùng với việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi chi phí khổng lồ và thời gian dài. Nếu không cân nhắc cẩn trọng về hiệu quả chi phí của nguồn vốn đầu tư vào hệ thống lưới điện, thế hệ tương lai sẽ phải chịu gánh nặng tài chính rất lớn.
Đối với hệ thống truyền tải điện, trước đây, hệ thống này ở Nhật Bản hoạt động trên cơ sở giả định tất cả các nhà máy điện sẽ hoạt động hết công suất. Hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Giờ đây, Nhật Bản đang chuyển sang việc điều hành hệ thống này một cách linh hoạt hơn. Nhật Bản là quốc đảo với hệ thống điện tách biệt với các nước khác.
Bên cạnh đó, hệ thống điện ở nước này lại bị phân chia thành hai khu vực với tần số khác nhau, vì vậy, việc cân bằng cung-cầu ở trong những lưới điện nhỏ như vậy trở nên khó khăn hơn.
Có thể thấy, con đường đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chủ lực của Nhật Bản không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng rằng Nhật Bản có thay đổi tình thế này nhờ tận dụng sự phát triển của các công nghệ về pin trữ năng lượng, phát điện bằng hydrogen và các công nghệ khác./.