Nâng mức độ cảnh báo trong cộng đồng về dịch COVID-19

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo điều tra, bệnh nhân số 867 có thể nhiễm COVID-19 từ ngày 30/7 và đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều người.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 14/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Hỗ trợ Hải Dương khoanh vùng, dập dịch

Xác định tình trạng phức tạp của chùm ca nhiễm COVID-19 tại Hải Dương, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo điều tra, bệnh nhân số 867 có thể nhiễm COVID-19 từ ngày 30/7 và đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều người. Bộ Y tế sẽ sớm có kết quả giải trình tự gene các ca bệnh này để so sánh với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó.

“Thành phố Hải Dương thực hiện cách ly xã hội là giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, đúng đắn. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hải Dương truy vết, cách ly; khoanh vùng, dập dịch; đặc biệt triển khai nhanh nhất có thể việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với tất cả những người đi đến, có liên quan đến quán ăn ở Hải Dương,” Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng phối hợp với tỉnh Hải Dương nhanh chóng khôi phục toàn bộ hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 của 4 cơ sở tại địa phương, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng dự kiến 1.500 mẫu/ngày.

[Từ ngày 14/8, Hải Dương bắt đầu cách ly xã hội trong 15 ngày]

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh tại Quảng Nam sẽ khó khăn hơn Đà Nẵng do chỉ có 9/16 huyện, thị xã thực hiện cách ly xã hội.

Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc tiến độ lấy mẫu và mở rộng xét nghiệm cộng đồng tại các địa phương này. Dự kiến đến cuối tháng 8 có khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Về 21 trường hợp tử vong do COVID-19, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại 3 khoa "trọng yếu" của Bệnh viện Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử đội ngũ y bác sỹ tinh nhuệ hỗ trợ Đà Nẵng với mục tiêu hạn chế tối đa trường hợp tử vong. “Với mỗi trường hợp, lực lượng y tế đã cố gắng hết sức,” Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Tuy nhiên, trước những khuyến cáo, tin nhắn trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Bộ Y tế, cùng với nhận định, “từ nay trở đi sẽ không có "khoảng yên bình", thường xuyên xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ tại các tỉnh, thành phố,” Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức độ cảnh báo trong cộng đồng; khuyến cáo mạnh mẽ người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà.

"Thậm chí cần có những chế tài, hình thức xử phạt nghiêm khắc với trường hợp vi phạm," Quyền Bộ trưởng nêu rõ.

Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cần tiếp tục tăng cường công tác điều trị tại Đà Nẵng và Quảng Nam; tập trung kết nối các khâu; phát huy kinh nghiệm điều trị của các chuyên gia, bác sỹ. Bộ Y tế tiếp tục động viên lực lượng y tế tại Đà Nẵng, Quảng Nam trên tinh thần “không được lơi lỏng khi thấy số ca giảm dần so với ngày đầu phát hiện ca nhiễm bệnh”; “quyết tâm khoanh vùng dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam.”

Với nguy cơ dịch bệnh thường trực tại tất cả các địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị mới.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tăng cường công tác quản lý, siết chặt kiểm tra và chấn chỉnh tình hình tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Để kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nêu rõ, việc quan trọng nhất hiện nay là kêu gọi và quy định rõ ràng việc người dân thực hiện biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch như hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay ... Các chuyên gia nhấn mạnh, đây không chỉ là nghĩa vụ của bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước.

Các chiến sĩ công an trực tại chốt vị trí cuối đường Nguyễn Lương Bằng gần tiếp giáp với quốc lộ 5 lúc 0 giờ 20 phút ngày 14/8. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng, tổ chức đoàn thể xã hội tích cực kêu gọi, vận động người dân duy trì thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương có trách nhiệm yêu cầu người dân thực hiện nghiêm và sẽ tiến hành xử phạt nếu tiếp tục vi phạm.

Liên quan đến tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với thành công của Kỳ thi đợt 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt thi thứ 2. Trên cơ sở nhận định tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổ chức thi trong thời gian sớm.

Phân tích triển vọng về vaccine, các chuyên gia cho rằng đến khi có vaccine hữu hiệu hoặc thuốc đặc trị, phải xác định tinh thần “chung sống an toàn với dịch bệnh”; thay đổi thói quen toàn xã hội nhằm phản ứng kịp thời với dịch bệnh khác…

Xuất hiện lây nhiễm thứ phát trong phạm vi hộ gia đình

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận 911 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 361 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam; 21 trường hợp tử vong.

Từ ngày 23/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 496 trường hợp, trong đó có 52 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, 444 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Khánh Hòa. Một số địa phương đã có lây nhiễm thứ phát trong phạm vi hộ gia đình (tại Quảng Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn).

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm; giảm thời gian xét nghiệm mẫu và bảo đảm chất lượng xét nghiệm theo diễn biến tình hình dịch bệnh để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan làm căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 70 đơn vị thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR, trong đó miền Bắc có 34 đơn vị, miền Trung 6 đơn vị, Tây Nguyên 2 đơn vị, miền Nam 28 đơn vị. Từ ngày 23/7-13/8, gần 253.860 mẫu (trên tổng số gần 669.687 mẫu đã lấy, chiếm 37,9%) được xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Tính đến ngày 13/8, cả nước đang cách ly 172.093 người, trong đó, 5.222 người cách ly tại cơ sở y tế; 25.799 người cách ly tại các khu cách ly tập trung; 141.072 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục