Nắng nóng kéo dài diện rộng ở Nam Bộ sẽ gay gắt không kém năm 2023

Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sắp tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3-4 với nhiệt độ cao nhất lên tới khoảng 39-40 độ C.
Một người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh dùng áo che kín đầu, bước vội giữa trời nắng nóng. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng sẽ xuất hiện tại khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây Nam Bộ trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 5.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ từ tháng 3-4. Nhiệt độ trung bình phổ biến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3-5 cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sắp tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3-4 và mức độ sẽ gay gắt không thua kém năm 2023. Trong đó, nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng năm nay dự báo các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể lên tới khoảng 39-40 độ C. Mùa cao điểm nắng nóng tại Nam Bộ được dự báo rơi vào tháng 4 với số ngày nắng đạt 15-20 ngày trong tháng.

Đến tháng 5, khu vực Nam Bộ sẽ bắt đầu vào mùa mưa. Tuy nhiên, trong tháng vẫn sẽ xuất hiện một vài đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C.

Với cường độ nắng nóng dần mạnh hơn, ít mưa, thời gian nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí cao như hiện nay có khả năng cao sẽ xảy ra hạn hán tại các tỉnh Nam Bộ. Xâm nhập mặn tăng, ranh mặn sẽ đi sâu vào nội đồng gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng còn khiến khu vực miền Tây đối mặt với nguy cơ sụt lún sạt lở đất, do nước trong các kênh rạch dần cạn kiệt.

Ngoài ra, từ nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5 là thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa trên khu vực Nam Bộ. Dự báo vào tháng 3, tổng lượng mưa tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, rất ít mưa trái mùa trong nửa đầu tháng. Đến nửa cuối tháng 3, khả năng một vài nơi sẽ xuất hiện mưa rào và dông trái mùa do đối lưu nhiệt địa phương nhưng lượng mưa hầu hết không lớn.

Để ứng phó với nắng nóng, hạn hán, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước; phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục