Nắng nóng kỷ lục khiến cháy rừng diễn biến phức tạp tại Australia

Hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển lửa cùng những góc trời đỏ rực khi gần 1.000 lính cứu hỏa căng mình khống chế các đám cháy ngoài tầm kiểm soát ở miền Nam Australia.
Khói bốc lên trong đám cháy ở ngoại ô Tingha, New South Wales, Australia, ngày 13/2 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển lửa cùng những góc trời đỏ rực khi gần 1.000 lính cứu hỏa căng mình khống chế các đám cháy ngoài tầm kiểm soát ở miền Nam Australia.

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày đã khiến nền nhiệt cuối tuần qua tăng lên 40 độ C, gây hàng loạt vụ cháy trên toàn bang Victoria, buộc hàng nghìn người phải đi sơ tán.

Vụ hỏa hoạn bất ngờ ở công viên Bunyip là vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng nhất ở phía Đông Nam bang này. Tính đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi hơn 6.000ha rừng tại đây.

Cảnh quay ghi lại từ trên không về sức tàn phá của ngọn lửa cho thấy các đám cháy lớn "nuốt trọn" những cây cao và bao trùm nhiều tòa nhà. Ít nhất 9 công trình đã bị hư hại nghiêm trọng.

[Australia chi gần 16 triệu USD cho dự án môi trường cấp địa phương]

Giới chức bang Victoria cho biết thảm kịch cháy rừng vẫn chưa kết thúc trong ngày 4/3, dù cho điều kiện thời tiết dịu mát hơn đã phần nào giảm bớt khó khăn cho lực lượng cứu hỏa trong ngày.

Australia đã trải qua mùa Hè nắng nóng kỷ lục, từ tháng 12/2018 đến tháng Hai vừa qua. Hiện tượng thời tiết cực đoan này đang khiến một số ngành nghề sản xuất điêu đứng, trong đó sản lượng thu hoạch nho phục vụ cho ngành sản xuất rượu vang được dự báo sẽ sụt giảm xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều năm qua.

Số liệu của Cơ quan Khí tượng Australia công bố hồi tháng Một vừa qua cũng cho thấy đây là tháng Một nóng nhất với nhiệt độ trung bình trên 30 độ C.

Theo lý giải của các chuyên gia, các mô hình thời tiết ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương khiến nhiệt độ tăng cao hơn và mưa ít hơn ở Australia, song nguyên nhân sâu xa được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các chuyên gia khí tượng dự báo mùa Thu ở miền Nam nước này bắt đầu từ ngày 8/3 tới vẫn sẽ tiếp tục khô và ấm hơn bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục