Ba chỉ số chính của Phố Wall liên tục diễn biến trái chiều trong các phiên giao dịch của tuần, giữa bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn nước rút và mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 vừa bắt đầu.
Xu hướng này diễn ra cả trong phiên giao dịch cuối tuần, khi chỉ số Nasdaq duy trì đà tăng, còn chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục mất điểm.
Chốt phiên giao dịch 25/10, chỉ số Dow Jones giảm 259,96 điểm, tương đương 0,61%, xuống 42.114,40 điểm; chỉ số S&P 500 mất 1,74 điểm, tương đương 0,03%, xuống 5.808,12 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 103,12 điểm, tương đương 0,56%, đạt 18.518,61 điểm.
Chỉ số Dow giảm chủ yếu do nhóm cổ phiếu ngân hàng và chuỗi đồ ăn nhanh lao dốc, với Goldman Sachs giảm 2,27% và McDonald's giảm 2,97% khi đối mặt với vụ bùng phát vi khuẩn E.coli liên quan đến sản phẩm hamburger.
Cổ phiếu New York Community Bancorp giảm mạnh 8,26% sau khi ngân hàng công bố khoản lỗ trong quý thứ tư liên tiếp, chủ yếu do khoản vay bất động sản thương mại.
Bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử Mỹ khiến nhà đầu tư cẩn trọng. Cổ phiếu đã chịu ảnh hưởng từ đà tăng nhanh của lợi suất trái phiếu khi kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dần tan biến trước viễn cảnh kinh tế lạc quan hơn. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang đang chờ đợi báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn.
Bà Carol Schleif, Giám đốc đầu tư tại văn phòng gia đình BMO Family Office, nhận định không có gì bất thường khi thị trường muốn nghỉ ngơi một chút sau sáu tuần liên tục đạt mức cao kỷ lục.
Trong tuần này, chỉ số Nasdaq là chỉ số duy nhất tăng điểm, với mức tăng 0,16%, trong khi S&P 500 giảm 0,96% và Dow Jones giảm mạnh 2,68%.
Chuyên gia phân tích thị trường Patrick O'Hare tại Briefing.com cho biết, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng vẫn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu vì thị trường chưa xác định được chính xác lý do khiến lợi suất trái phiếu tăng như vậy.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 4,2% so với mức 3,73% của tháng trước. Ông O'Hare cho rằng lợi suất trái phiếu Mỹ tăng phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn về thâm hụt ngân sách và lạm phát đang nóng trở lại.
Còn ông Bill Northey, Giám đốc đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết: “Trong ngắn hạn, tác động lớn nhất mà chúng ta thấy đối với thị trường cổ phiếu trong tháng 10 là sự gia tăng lợi suất trái phiếu.”
Trong những tuần tới, thị trường chứng khoán có thể sẽ có nhiều biến động khi các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp, các số liệu kinh tế mới và kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống, sau đó là cuộc họp của Fed.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang nhận định có 89,6% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11 tới.
Tuần sau được xem là thời điểm then chốt khi các công ty công nghệ lớn, bao gồm Alphabet, Apple và Microsoft, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3, cùng với báo cáo việc làm tháng 10/2024 của Mỹ./.
Chứng khoán châu Á chênh vênh khi kỳ vọng Fed hạ lãi suất giảm dần
Thị trường chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà đi xuống của khu vực châu Á với mức giảm 1,32%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng để mất 0,7% xuống 3.280,26 điểm.