NATO: Cộng đồng quốc tế cần chung sức đối phó với tên lửa Triều Tiên

Theo Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg, Triều Tiên hiện đang phát triển thêm các loại tên lửa tầm xa hơn có thể bắn tới cả Bắc Mỹ và châu Âu.
NATO: Cộng đồng quốc tế cần chung sức đối phó với tên lửa Triều Tiên ảnh 1Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên rời bệ phóng tối 28/7. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ở Seoul ngày 1/11, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng toàn thế giới phải chung sức để đối phó với việc Triều Tiên phát triển các loại tên lửa tầm xa có thể bắn tới Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh “Đây là một thách thức đối với toàn thế giới khi mà Triều Tiên hiện đang phát triển thêm các loại tên lửa tầm xa hơn có thể bắn tới cả Bắc Mỹ và châu Âu... Do đó, chúng ta cần xem xét có thể hợp tác với nhau như thế nào để đối phó với những thách thức toàn cầu."

Về phần mình, Ngoại trưởng Kang hoan nghênh sự ủng hộ mạnh mẽ của NATO dành cho Hàn Quốc, trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa hạt nhân và tên lửa xuất phát từ phía Triều Tiên. Bà Kang nhấn mạnh: "Chúng tôi cần có sự ủng hộ tương tự từ cộng đồng quốc tế, nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh toàn cầu này."

Ông Stoltenberg đang ở thăm Seoul để thảo luận về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như mối quan hệ đối tác giữa NATO và Hàn Quốc. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc thứ hai của một người đứng đầu NATO.

[NATO hối thúc “đáp trả toàn cầu” sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên]

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc hoan nghênh và khuyến khích Mỹ và Triều Tiên tiếp xúc và đối thoại dưới mọi hình thức.

Bà Hoa Xuân Oánh đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo thường kỳ khi trả lời một câu hỏi liên quan tới cuộc đối thoại trực tiếp mới đây giữa Mỹ và Triều Tiên. Bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ: "Chúng tôi khuyến khích Triều Tiên và Mỹ tiến hành gặp và đối thoại". Ngoài ra, bà cũng cho hay, Trung Quốc hy vọng điều này sẽ giúp 2 quốc gia nâng cao sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, đồng thời giúp đưa vấn đề hạt nhân tại Bán đảo Triều Tiên trở lại con đường ngoại giao nhằm tìm ra giải pháp.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc luôn ủng hộ việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình thông qua các nỗ lực ngoại giao.

Trước đó, hãng Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/10 cho biết, Mỹ vẫn đang thầm lặng theo đuổi giải pháp ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc đối thoại với Bình Nhưỡng là "phí thời gian."

Theo quan chức ngoại giao này, sử dụng cái gọi là "Kênh New York", Joseph Yun, một nhà đàm phán Mỹ với Triều Tiên, đã liên lạc với các nhà ngoại giao thuộc phái bộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc vào thời điểm mà Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tiếp công kích nhau làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quân sự.

Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 17/10 tuyên bố sẽ tiếp tục "các nỗ lực ngoại giao... cho tới khi quả bom đầu tiên rơi xuống", bình luận của quan chức trên là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Mỹ vẫn thảo luận trực tiếp nhiều vấn đề, không chỉ riêng việc thả những tù nhân Mỹ, bất chấp Tổng thống Trump đã bác bỏ các cuộc đối thoại trực tiếp. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy những kênh liên lạc kín này giúp cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.