Sau cơn bão Milton buộc ông chủ Nhà Trắng phải hủy chuyến thăm Đức theo lịch trình ban đầu vào tuần trước, ngày 17/10, Tổng thống Joe Biden đã đến Berlin, trong chuyến thăm chớp nhoáng đồng minh tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Quyết định lớn khó xuất hiện trước tháng 11
Sau khi chuyến thăm của ông Biden bị hủy, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã dừng chân tại London, Rome, Berlin và Paris để trình bày “kế hoạch chiến thắng” của mình với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Với việc ông Biden chuẩn bị trao lại quyền lực cho cựu Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Kamala Harris, các chính phủ châu Âu đã lập kế hoạch cho cả 2 kịch bản. Dù bằng cách nào, châu Âu cũng sẽ cần giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Euronews đã trao đổi với chuyên gia xuyên Đại Tây Dương và thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) Rachel Tausendfreund về mối quan hệ Mỹ-EU trong bối cảnh các cuộc thảo luận đang diễn ra về tư cách thành viên NATO tiềm năng của Ukraine.
Bà Rachel Tausendfreund nói: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bất kỳ điều gì bất ngờ như vậy được công bố sau cuộc họp. Tôi nghĩ cuộc họp mang tính biểu tượng hơn.”
Bà Rachel Tausendfreund giải thích thêm rằng các quyết định lớn hơn như tương lai của Ukraine khó có thể diễn ra trước tháng 11.
Theo bà Rachel Tausendfreund, châu Âu cần phối hợp mua thêm vũ khí và đạn dược vì hiện nếu tính riêng lẻ, các thành viên đều mua một lượng vũ khí hoặc sản xuất một lượng nhiên liệu khá lớn.”
Bà Tausendfreund cho rằng do các quốc gia thành viên NATO đang hoạt động đơn lẻ nên năng lực “thấp hơn nhiều so với mức cần thiết.”
Trong khi Pháp ủng hộ việc sản xuất máy bay chiến đấu và đạn dược như một sáng kiến của châu Âu, lại có những quốc gia khác, như Đức, cho rằng vũ khí nên được mua từ bất kỳ nơi nào rẻ nhất và hiệu quả nhất, kể cả từ Israel. Điều này gây ra căng thẳng giữa các quốc gia.
Tác động nếu ông Trump thắng cử
Bà Tausendfreund giải thích: “Có 2 kịch bản. Kịch bản lạc quan của Pháp là cuối cùng mọi người sẽ đồng ý với Pháp rằng châu Âu không thể mãi phụ thuộc vào Mỹ và do đó cần thiết lập quyền tự chủ chiến lược. Và điều đó cũng có nghĩa là ít phụ thuộc hơn vào các hệ thống của Mỹ.”
Bà cho biết đó là một kịch bản lạc quan khó có thể xảy ra vì các quốc gia ở sườn phía Đông của châu Âu muốn dựa vào mối quan hệ của họ với Mỹ và tập trung vào khả năng phòng thủ của riêng mình. Điều này có thể dẫn đến sự chia rẽ liên tục trong châu Âu đối với các quốc gia thành viên NATO.
Về tương lai của Ukraine, bà Tausendfreund cho rằng nếu ông Trump thắng cử trong vòng chưa đầy 3 tuần, sự ủng hộ dành cho Ukraine có thể sẽ giảm.
Bà tin rằng ông Trump sẽ đẩy Ukraine vào các cuộc đàm phán gần như ngay lập tức, tận dụng sự hỗ trợ quân sự làm đòn bẩy để gây áp lực buộc Kiev phải đàm phán. Bà cho biết: “Đầu tháng 1, họ sẽ buộc phải đàm phán, bất kể tình hình thế nào.”
Kịch bản tốt nhất cho NATO dưới thời Tổng thống Trump sẽ là phản ứng mạnh mẽ của EU và sự phối hợp với Vương quốc Anh, dẫn đến việc châu Âu hóa NATO để duy trì liên minh vững mạnh.
Các quốc gia NATO sẽ cần đạt được điều này bằng cách tăng cường năng lực và lấp đầy những khoảng trống có thể tạo ra nếu Mỹ rút lại sự hỗ trợ.
Bà Tausendfreund nhấn mạnh: “Một kịch bản tích cực là thực sự có một NATO châu Âu hóa, nơi người châu Âu cung cấp 60% khả năng phòng thủ và răn đe”.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia NATO và EU không tăng cường khả năng phòng thủ của mình, họ có thể trở nên rất yếu vào năm 2025.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bà Harris thắng cử?
Một nhiệm kỳ tổng thống dưới thời bà Kamala Harris có thể khuyến khích EU phối hợp để củng cố trụ cột châu Âu. Nếu châu Âu tiếp tục đi theo con đường không thống nhất trong việc đưa ra quyết định, hậu quả sẽ là tiêu cực và có thể dẫn đến an ninh châu Âu suy yếu vào năm 2027 hoặc 2028.
Bà khẳng định: “Đơn giản là Mỹ không có khả năng tập trung vào châu Âu như mức độ trước đây.”
Về chủ đề Ukraine, bà Tausendfreund cho biết: “Nếu Harris thắng, NATO chỉ có thể hy vọng mức ủng hộ tương tự như chúng ta đã có trong chính quyền Biden.”
“Và tôi thực sự nghĩ rằng một gói chi tiêu lớn khác có thể khả thi, ngay cả khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, bởi vì một số lượng lớn trong đảng Cộng hòa thực sự ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine, miễn là áp lực chính trị không quá cao.”
Tương lai của NATO và “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky
Chuyên gia phân tích trên cho biết dù thế nào đi nữa, áp lực trang bị vũ khí cho NATO khó có thể giảm bớt, bất kể ai được bầu. “Ukraine sẽ cần những đảm bảo an ninh khá mạnh mẽ từ các đối tác của NATO, dù là dưới hình thức tư cách thành viên hay chỉ dưới hình thức đảm bảo an ninh song phương.”
Bà Tausendfreund nói thêm rằng: “Đúng, để điều đó có hiệu lực, những đồng minh này phải là những người đảm bảo an ninh đáng tin cậy và họ chính là những người châu Âu, có rất nhiều việc phải làm.”
Bà Tausendfreund nhận định: “Đó là một kế hoạch đầy tham vọng. Rõ ràng mới chỉ là đưa ra trên giấy những gì ông ấy nghĩ rằng họ sẽ cần để giành chiến thắng. Tôi không chắc ông sẽ đạt được điều đó. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.”
Nhưng bà Tausendfreund nói: “Dưới chính quyền bà Harris, có thể sẽ có nhiều sự ủng hộ hơn.”
Các chuyên gia an ninh đang thúc giục châu Âu có cách tiếp cận thống nhất hơn trong việc sản xuất vũ khí và cho biết họ cần đẩy nhanh việc đưa ra những quyết định khó khăn cho tương lai của NATO./.
Lãnh đạo Mỹ-Đức gặp tại Berlin, nhấn mạnh trách nhiệm chung vì hòa bình
Thông báo của Nhà Trắng đưa ra sau cuộc hội đàm ngày 18/10 giữa hai nhà lãnh đạo cho biết: “Tổng thống Biden đã nhấn mạnh mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự chặt chẽ giữa Mỹ và Đức.”