Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân. Trong các vấn đề được dư luận quan tâm, nổi bật là nội dung sửa đổi trong Bộ luật hình sự liên quan đến việc xử lý tội che giấu tội phạm với chủ thể là người thân trong gia đình.
Cụ thể: Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định: Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định; người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm...
Xung quanh vấn đề trên có nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với 2 luật sư để lấy ý kiến chuyên môn và khách quan, đa chiều về vấn đề trên.
Luật sư Trần Hữu Năng (Văn phòng luật sư Đức Năng): Che giấu tội phạm là nguy hiểm.
Che giấu tội phạm là hành vi của một người không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, che giấu các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.
Những chủ thể là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội trước đây chỉ được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội Không tố giác tội phạm và chỉ giới hạn mức độ nhất định. Người không tố giác tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội dưới dạng Không hành động.
Bộ luật hình sự sửa đổi đưa những chủ thể nói trên được miễn trách nhiệm hình sự thể hiện tính nhân đạo, có quan tâm đến yếu tố tâm lý, tình cảm của các quan hệ gia đình.
Luật sư Trần Hữu Năng cho rằng: hành vi che giấu tội phạm nguy hiểm hơn, họ thực hiện hành vi phạm tội dưới dạng Hành động cụ thể. Hậu quả của hành vi che giấu tội phạm là nguy hiểm, có thể giúp cho thủ phạm chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tang vật, làm cho cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm, có thể dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, ông cho rằng chỉ nên miễn trách nhiệm hình sự cho người che giấu các tội phạm ít nghiêm trọng (là những tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù).
Như vậy, luật sư Năng khẳng định quan điểm: không thể miễn trách nhiệm hình sự cho những người che giấu các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
“Để không bỏ lọt tội phạm, vừa đủ sức răn đe, tôi đề nghị soạn thảo điều luật nói trên trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) như sau: Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi che giấu các tội phạm ít nghiêm trọng và không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia” - ông Năng khẳng định.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật sư Interla): Nên phạt hành chính ở mức cao thay vì xử lý hình sự.
Trái với quan điểm của đồng nghiệp Trần Đức Năng, luật sư Trương Quốc Hòe lại có quan điểm đồng tình với nội dung sửa đổi trên trong Bộ luật hình sự.
“Theo tôi, nội dung được sửa đổi trong dự thảo Bộ luật hình sự: “Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự” là rất phù hợp”-Luật sư Hòe chia sẻ.
Lý giải cho quan điểm của mình, ông Hòe cho biết: Trong thực tế, hành vi che giấu tội phạm của người thân là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội là điều dễ hiểu. Những đạo lý truyền thống, văn hóa của người Việt Nam cũng như mối quan hệ đặc biệt, gắn bó giữa những người ruột thịt trong gia đình, luôn bao bọc, chở che cho nhau là nguyên nhân dẫn đến hành vi che giấu tội phạm trên. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo pháp luật. Tuy nhiên, đạo lý truyền thống và văn hóa Việt Nam là cái gốc của đời sống xã hội, là nét đẹp cần bảo vệ, trân trọng, đồng thời dựa trên tinh thần nhân đạo, sự khoan hồng của pháp luật, việc sửa đổi nội dung Bộ luật hình sự theo hướng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội là phù hợp, thể hiện tinh thần nhân văn của bộ luật hình sự.
Đối với quan điểm của luật sư Trần Hữu Năng cho rằng: “không nên loại trừ hoàn toàn đối tượng này vì hành vi che giấu cố tình nguy hiểm hơn hành vi không tố giác, có thể dẫn đến oan sai”, ông Hòe không đồng tình và cho rằng: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp chặt chẽ với nhau, áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thì sẽ không có tình trạng oan sai.
Tuy nhiên, luật sư Hòe cũng thừa nhận: hành vi che giấu tội phạm đúng là có những trường hợp có tính cố ý tác động đến quá trình điều tra như tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết tội phạm sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra tội phạm. Tuy nhiên, theo ông: trong xu hướng nhân đạo cùng với việc phải cân nhắc đến yếu tố truyền thống đạo lý thì cần thiết phải sửa đổi nội dung về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội là cần thiết.
Góp ý cho việc sửa đổi Bộ luật hình sự về vấn đề trên, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng: để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, vừa đủ sức răn đe khi sửa đổi nội dung này trong Bộ luật hình sự cần phải áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính với mức cao đối với hành vi che giấu tội phạm mà người che giấu là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội./.