Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đã nhiều lần vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, Đức được coi là bệ đỡ cho một số nền kinh tế yếu ớt của liên minh châu Âu trong những giai đoạn suy thoái.
Đức là một nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng lớn nhất châu Âu nên khi kinh tế Đức suy thoái sẽ kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực cho châu Âu, thậm chí trên toàn thế giới.
Mắc kẹt giữa trì trệ và suy thoái
Số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức không thay đổi trong quý 2/2023 và các nhà kinh tế tiếp tục đưa ra dự báo về một triển vọng ảm đạm hơn trong những tháng tới.
Kinh tế Đức đã đi ngang so với quý đầu tiên khi GDP trì trệ với mức tăng trưởng bằng 0 trong 3 tháng tính từ tháng 4 đến tháng 6.
Destatis cho biết dù lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 10,6% trong tháng 10 năm ngoái, song với 6,4% trong tháng 6, tăng so với tháng 5, con số này là yếu tố gây bất lợi cho nền kinh tế. Điều này được phản ánh trong chi tiêu của các hộ gia đình vẫn chưa tăng trở lại đáng kể.
Với mức tăng trưởng trì trệ trong quý 2, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế đầu tàu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dường như đang mắc kẹt giữa trì trệ và suy thoái.
Chuyên gia tại ING Đức cho rằng nước này dường như đang bị mắc kẹt giữa trì trệ và suy thoái.
Nhà kinh tế của Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho biết các dấu hiệu tổng thể cho thấy hoạt động kinh tế có thể tiếp tục giảm. Không loại trừ khả năng kết quả tiêu cực đối với tăng trưởng GDP sẽ được ghi nhận trong cả năm 2023.
[Đức sẽ phải đối mặt 5 năm khó khăn trong chuyển đổi công nghiệp xanh]
Theo các nhà phân tích, các chỉ số tâm lý được công bố gần đây cũng không cho thấy hoạt động kinh tế trong những tháng tới tốt hơn. Trên thực tế, sức mua yếu, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm, cũng như tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ và dự báo kinh tế Mỹ suy giảm, tất cả đều báo hiệu tình trạng kinh tế yếu kém.
Bên cạnh những yếu tố mang tính chu kỳ này, cuộc xung đột Nga-Ukraine, những thay đổi về nhân khẩu học và quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay là những yếu tố tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Đức trong những năm tới mặc dù sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc được dự báo có thể mang lại một số yếu tố tích cực bất ngờ.
Nợ công tăng cao kỷ lục
Theo Destatis, tính tới cuối năm 2022, chính phủ liên bang, chính quyền các địa phương, các hiệp hội thành phố và bảo hiểm xã hội đã nợ tổng cộng 2368 tỷ euro, tăng 2% (tương đương 47,1 tỷ euro) so với cuối năm 2021. Như vậy, khoản nợ bình quân đầu người của Đức là 28.164 euro, tăng 244 euro so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng khoản nợ của Chính phủ liên bang Đức trong năm 2022 tăng 4,6% (tương đương 71,9 tỷ euro) so với năm 2021, lên mức kỷ lục là 1.620,4 tỷ euro, do chính phủ phải ban hành nhiều khoản trợ cấp lớn nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như đại dịch COVID-19.
Destatis cho biết thêm những con số này chỉ tính đến các khoản nợ đối với khu vực ngoài công lập, chẳng hạn như các ngân hàng và công ty tư nhân ở Đức và nước ngoài.
Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của nước này và nhiều chuyên gia đều cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ suy thoái nhẹ trong cả năm 2023. Cả Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo rằng sản lượng kinh tế Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023.
Cần gói kích thích để vượt khó khăn
Trong bối cảnh đó, một số chính trị gia Đức cho rằng chính phủ nước này cần cung cấp một gói kích thích kinh tế lớn để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck đã bác bỏ đề xuất này. Ông khẳng định các chương trình kích thích kinh tế cổ điển hiện không phải là biện pháp tốt vì chỉ khiến lạm phát tăng cao hơn.
Cùng quan điểm với Phó Thủ tướng Habeck, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và người phát ngôn chính sách kinh tế của đoàn nghị sỹ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong Quốc hội liên bang Đức, Bernd Westphal, cũng cho rằng quan điểm cần phải ban hành gói kích thích kinh tế là cách tiếp cận sai lầm trong bối cảnh hiện tại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phải đối mặt với 5 năm khó khăn trong quá trình “chuyển đổi công nghiệp xanh," giai đoạn được cho là sẽ tạo gánh nặng cho người dân. Ông kêu gọi Chính phủ phê duyệt các khoản trợ cấp mới để bảo vệ cơ sở công nghiệp của nước này./.