Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quý 3, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm mạnh hơn so với ước tính ban đầu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 7-9, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì chỉ có 3% như ước tính ban đầu và mạnh hơn so với dự báo giảm 2,9% của các chuyên gia kinh tế tham gia vào cuộc thăm dò của hãng tin Kyodo.
Sự sụt giảm này chủ yếu do chi tiêu vốn của các doanh nghiệp trong kỳ báo cáo giảm tới 3,8%, chứ không phải 2,3% như ước tính ban đầu.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp phi tài chính lại tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Chính phủ Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 490 tỷ USD]
Bên cạnh đó, việc chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của nước này cũng giảm tới 1,3%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu. Nguyên nhân là do trong quý 3, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 20 tỉnh, thành khác, dẫn tới việc người dân hạn chế đi ra ngoài đường và các cơ sở kinh doanh ăn uống phải đóng cửa sớm.
Ở chiều ngược lại, trong quý 3, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản chỉ giảm tương ứng là 0,9% và 1%, so với các mức giảm 2,1% và 2,7% trong ước tính ban đầu.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 8/12, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết tài khoản vãng lai của nước này thặng dư tới 1.180 tỷ yen (khoảng 10 tỷ USD) trong tháng 10. Điều này xảy ra ngay cả khi Nhật Bản bị thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ lên tới 575,4 tỷ yen, trong khi chỉ đạt 166,7 tỷ yen thặng dư thương mại hàng hóa do thu nhập cơ bản của nước này thặng dư tới 1.780 tỷ yen trong kỳ báo cáo./.