'Nên thành lập Ban thư ký RCEP và đặt trụ sở tại Việt Nam'

Giáo sư Hoo Ke Ping cho biết, RCEP đã được ký kết là một trong những thành công nổi bật tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao do Việt nam chủ trì.
'Nên thành lập Ban thư ký RCEP và đặt trụ sở tại Việt Nam' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Giáo sư Malaysia Hoo Ke Ping cho rằng, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên thành lập Ban thư ký RCEP và đặt trụ sở tại Việt Nam.

Giáo sư Hoo Ke Ping cho biết, RCEP đã được ký kết là một trong những thành công nổi bật tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam chủ trì.

Trong bối cảnh khu vực đang phải đối phó với nhiều thách thức như hiện nay, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những căng thẳng về thương mại quốc tế, việc 15 nước thành viên với trình độ phát triển khác nhau có thể đi đến thỏa thuận này là một điều đáng khen ngợi.

[Việt Nam gây ấn tượng trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN]

Theo Giáo sư Hoo Ke Ping, mặc dù RCEP không thể so sánh với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song những lợi ích mà nó mang lại là rất to lớn. Với RCEP, các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Malaysia, sẽ có cơ hội lớn hơn để xuất khẩu các sản phẩm của mình cũng như có thêm nhiều lựa chọn về nguồn cung hàng hóa.

Khi thương mại phát triển, sản xuất sẽ được thúc đẩy và sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm được tạo ra. Tuy nhiên, giáo sư Hoo Ke Ping cũng lưu ý, những khó khăn và thách thức mà các nước phải đối mặt khi tham gia RCEP cũng cần phải được quan tâm đúng mức.

Để có thể thúc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn cũng như sớm đưa vào thực thi RCEP, theo Giáo sư Hoo Ke Ping, các nước nên xem xét việc thành lập một Ban thư ký, giống như Ban thư ký của ASEAN chẳng hạn. Vị giáo sư này cũng cho rằng, nơi đặt trụ sở RCEP có lẽ thích hợp nhất là ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, nước đã thể hiện những nỗ lực rất đáng khen trong việc thúc đẩy RCEP đi đến dấu mốc lịch sử ngày 15/11 vừa qua. Giáo sư Hoo Ke Ping còn cho rằng, với những nỗ lực của mình, các nước thành viên hoàn toàn có thể biến RCEP thành một cơ cấu thành công giống như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Đánh giá về vai trò chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, giáo sư Hoo Ke Ping cho rằng Việt Nam đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN trong một năm có nhiều biến động và thách thức, nổi bật nhất là dịch COVID-19 và những căng thẳng về thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam đã thể hiện vai trò này một cách thành công và không có ai phải băn khoăn về điều này.

Vị giáo sư đồng thời là một doanh nhân có tiếng tại Malaysia còn cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên mơ những “giấc mơ lớn” và ông tin rằng Việt Nam với những tiềm năng và thế mạnh của mình hoàn toàn có thể biến giấc mơ thành hiện thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục