Trong làn sóng phản đối Hiến pháp mới của Nepal, ngày 25/9, hàng trăm người biểu tình đã chặn một cửa khẩu quan trọng giữa Ấn Độ và Nepal, cắt đứt tuyến đường tiếp tế trọng yếu đến Nepal.
Những người biểu tình thuộc cộng đồng Madhesi đã phản đối kế hoạch phân chia Nepal thành bảy tỉnh bang theo một điều khoản Hiến pháp được thông qua hôm 20/9 vừa qua.
Đại diện nhóm biểu tình cho biết họ đã chặn cửa khẩu trên trong đêm và sẽ không chịu lùi bước cho đến khi Chính phủ Nepal thay đổi điều khoản trên trong Hiến pháp.
Cửa khẩu bị phong tỏa nằm ở thị trấn Birgunj, cách thủ đô Kathmandu 90km về phía Nam, là một trung tâm phục vụ cho việc nhập dầu mỏ và lương thực vào Nepal, với hàng trăm xe tải thường qua lại cửa khẩu này vào ban đêm. Lo ngại thiếu nhiên liệu, hàng chục phương tiện đã xếp hàng tại các trạm xăng dầu ở Kathmandu trong khi các cuộc biểu tình tại đây cũng làm dấy lên lo ngại ở Ấn Độ.
Trong một tuyên bố ngày 25/9, Ấn Độ cho biết các công ty vận tải nước này đã lên tiếng bày tỏ những khó khăn mà họ đang đối mặt khi di chuyển trong lãnh thổ Nepal, cũng như lo ngại về tình hình an ninh do bất ổn tại nước này.
Cùng ngày 25/9, phóng viên TTXVN tại Nam Á đưa tin Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đã hủy chuyến đi Mỹ dự khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị và làn sóng bạo lực đang lan rộng tại khu vực Terai do sự phản đối của cộng đồng người Madhesi về Hiến pháp mới.
Thủ tướng Koirala đã tới văn phòng của lãnh đạo cộng đồng Madhesi và mời họ thương lượng để tìm giải pháp. Trước đó, lãnh đạo ba chính đảng tại Nepal là đảng Quốc đại Nepal (NC), đảng Cộng sản Nepal Marxist-Leninist thống nhất (CPN-UML) và đảng Cộng sản Nepal thống nhất (UCPN) ngày 24/9 đã họp và quyết định tiến hành thương lượng với các nhóm phản đối, đồng thời quyết định sẽ rút lực lượng an ninh khỏi khu vực Terai trước khi bắt đầu thương lượng.
Trong vài tuần qua, các vụ biểu tình bạo lực tại Nepal nhằm phản đối phân chia hành chính trong Hiến pháp mới, đã khiến hơn 40 người thiệt mạng./.