Nếu FED tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND sẽ tăng mạnh dịp cuối năm

Tỷ giá USD/VND đến cuối năm có khả năng sẽ chịu thêm những áp lực tăng giá bởi bởi nhu cầu vào mùa cao điểm cho ngoại tệ để thanh toán và đầu cơ.
Nếu FED tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND sẽ tăng mạnh dịp cuối năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo đánh giá từ số các chuyên gia tài chính-chứng khoán, tỷ giá giữa USD/VND đến cuối năm có khả năng chịu thêm những áp lực tăng giá bởi nhu cầu vào mùa cao điểm cho ngoại tệ thanh toán các đơn hàng và đầu cơ.

Thêm vào đó, khả năng lớn việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ - FED sẽ gia tăng lãi suất trong tháng 12 cũng là yếu tố quan trọng làm giảm giá trị tiền đồng vào thời điểm cuối năm. Ngoài ra, theo dự báo thâm hụt thương mại dự kiến trong hai tháng cuối năm ​đang cho thấy nguồn cung ngoại tệ có thể giảm.

Biến động mạnh nhất kể từ đầu năm

Trong vòng hai tuần trở lại đây, tỷ giá USD/VND liên tục duy trì đà tăng mạnh, giá trị tiền đồng giảm 1,8%. Tính đến ngày 24/11, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước là 22.131 đồng/USD, tăng 13 đồng so với 22.118 đồng/USD (ngày 23/11).

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã giữ sự ổn định của tỷ giá trung tâm kể từ đầu tháng Một (khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới với biên độ giao động +/-3%) và đến thời điểm giữa tháng Tám thì tỷ giá trung tâm bắt đầu gia tăng.

​Như vậy, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,1% kể từ đầu năm và tăng 0,46% (kể từ ngày 8/11), thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bên cạnh đó, tỷ giá liên ngân hàng đã đạt mốc 22.751 đồng/USD (ngày 24/11) sau khi tăng dần từ ngày 10/11 (22.326 đồng/USD).

Quan sát trong thời gian trước, mặc dù tỷ giá trung tâm đã tăng đều đặn (từ trung tuần tháng Tám) song tỷ giá liên ngân hàng vẫn duy trì ổn định quanh mốc 22.300 đồng/USD (cho đến giữa tháng 11). Tuy nhiên thời điểm hiện tại, tỷ giá liên ngân hàng lại tăng mạnh với sự trượt giá bắt kịp mức tăng 1.1% của tỷ giá trung tâm ngày 24/11.

USD tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ

Thống kê từ Công ty Chứng khoán Bản Việt, chỉ số US Dollar Index (DXY) liên quan đến 6 loại tiền tệ (bao gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, và CHF) tăng 0,7% đạt 101,7 điểm (ngày 24/11) và đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2003.

Việc USD tăng mạnh là do giới nhà đầu tư đang kỳ vọng vào khả năng FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 12, khi Biên bản cuộc họp tháng 11 của FED cho thấy khả năng lớn về một đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra, do nền kinh tế Mỹ đã khả quan với triển vọng tiêu dùng tích cực hơn trong bối cảnh ông Donald Trump thắng cử.

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,9% trong quý 3, có thêm 161.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,9% trong tháng Mười và trong khi lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ tăng 0,2% trong tháng Chín. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ tại Mỹ đã tăng 0,8% so với tháng Chín, cao hơn nhiều so với mức ước tính 0,5%.

Như vậy trên thị trường tiền tệ quốc tế, EUR và JPY đều giảm mạnh, lần lượt  4,3% và 6,5% kể từ ngày 8/11. Tỷ giá USD/EUR đạt 1,055 USD/EUR (ngày 24/11), mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015, chủ yếu do thông tin lạm phát cập nhật tại Anh và cho thấy quốc gia này sẽ phải duy trì mức lãi suất thấp. Bên cạnh đó, tỷ giá JPY/USD (ngày 24/11) lên tới 113,3 JPY,  mặc dù kinh tế Nhật Bản trong quý 3 đã tăng trưởng cao hơn dự kiến và xuất khẩu mạnh mẽ, khi tăng 2% kể từ quý 2.

Song theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, đồng EUR và JPY trượt giá sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có khoản nợ bằng hai đồng tiền này sẽ được hưởng lợi.

Các thị trường mới nổi bị tác động

Kể từ đầu năm, VND vẫn được giữ ở mức ổn định khi so sánh với đồng tiền của các quốc gia mới nổi và vùng lãnh thổ như nhân dân tệ (Trung Quốc-CNY), rupee (Ấn Độ-INR), ringgit (Malaysia-MYR), baht (Thái Lan-THB), và tân đài tệ (Đài Loan-TWD).

Do đó, ở thời điểm tới đây, nếu VND tăng giá so với các tiền tệ từ thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, sẽ ​giúp giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thành phẩm, tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, VND tăng giá so với đồng tiền trong khu vực lại khiến Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh xuất khẩu so với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là tại trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ở một chiều hướng khác, chuyên viên phân tích vĩ mô, Nguyễn Hải Hiền của Công ty Chứng khoán Bản Việt chỉ ra, "hai ngày cuối tuần trước, VND bắt đầu trượt giá nhẹ so với tiền tệ trong khu vực. song, hai ngày là thời gian quá ngắn để xác nhận bất kỳ xu hướng giảm giá nào của VND so với tiền tệ của các thị trường mới nổi khác. Nếu xu hướng này tiếp tục, chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ cao hơn, tạo thêm áp lực cho lạm phát. Song, xu hướng giảm này sẽ khiến xuất khẩu Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với các quốc gia mới nổi.”

Theo số liệu thương mại được công bố từ Tổng Cục Hải quan, Việt Nam thâm hụt thương mại 445 triệu USD trong tháng Mười và tiếp tục thâm hụt 570 triệu USD trong nửa đầu tháng 11​ đồng thời làm giảm thặng dự thương mại từ đầu năm xuống còn 2,7 tỷ USD.

“Việc thâm hụt thương mại trở lại sẽ làm giảm thăng dự thương mại từ đầu năm, góp phần làm giảm nguồn cung USD, tạo ra thêm áp lực giảm giá cho VND. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục gia tăng và có thể trượt giá 2%-3% trong năm 2016”  chuyên viên này dự báo.

Tuy nhiên anh Hiền cũng kỳ vọng, có một vài yếu tố có thể trung hòa áp lực trượt giá của VND, như thông tin về nguồn vốn FDI giải ngân mạnh mẽ đạt 14,3 tỷ USD (tháng 11) và khả năng tiếp tục tăng trong tương lai gần.

Thêm vào đó, với dòng vốn kiều hối dồi dào ước tính đạt 12 tỷ USD trong năm sẽ giúp cho mức thặng dự thương mại vào cuối năm cũng như lượng vốn ngoại tệ lớn thu được từ đợt thoái vốn nhà nước khỏi các các công ty quốc doanh sẽ làm gia tăng nguồn cung USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục