New Zealand rà soát công tác tình báo sau vụ xả súng đẫm máu

Theo nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, bà nhận được thông tin 9 phút trước khi xảy ra vụ xả súng và đã ngay lập tức chuyển giao thông tin này cho lực lượng an ninh.
Cảnh sát New Zealand cường an ninh tại sân bay Christchurch, sau vụ xả súng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát New Zealand cường an ninh tại sân bay Christchurch, sau vụ xả súng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự kiến trong ngày 18/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ triệu tập một cuộc họp nội các để thảo luận về luật kiểm soát súng, đặc biệt là loại súng bán tự động như thủ phạm Brenton Harrison Tarrant đã sử dụng trong vụ xả súng, và sự yếu kém của công tác tình báo của New Zealand.

Trước khi vụ tấn công xảy ra, bà Arden cùng khoảng 30 quan chức khác đã nhận được thông báo ám chỉ về loạt vụ tấn công.

Theo nữ Thủ tướng, bà nhận được thông tin 9 phút trước khi xảy ra vụ xả súng và đã ngay lập tức chuyển giao thông tin này cho lực lượng an ninh. Tuy nhiên, trong thông báo bà nhận được "không nêu địa điểm, cũng không nêu chi tiết cụ thể" về kế hoạch tấn công.

Sau vụ xả súng đẫm máu chưa từng có, mức cảnh báo đe dọa ở New Zealand được nâng lên mức cao lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo Thủ tướng Ardern, thủ phạm là một công dân Australia, "thỉnh thoảng tới New Zealand và ở lại trong nhiều quãng thời gian."

[Australia thực hiện khám xét liên quan tới vụ xả súng tại New Zealand]

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton cho biết đối tượng này chỉ lưu lại Australia tổng cộng 45 ngày trong 3 năm trở lại đây. Đối tượng không nằm trong danh sách giám sát của cả New Zealand và Australia.

Theo giới chức Hy Lạp, Brenton Harrison Tarrant cũng đã từng tới đảo Crete và Santorini của Hy Lạp trong hồi tháng 3/2016 và lưu lại đây ít ngày. Điểm xuất phát khi đó của y là thành phố Istanbul.

Tương tự, các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria thông báo tiến hành điều tra riêng rẽ về các chuyến đi tới khu vực Balkans của Tarrant, qua một loạt các nước Serbia, Croatia, Montenegro và Bosnia Herzegovina trong khoảng thời gian từ 28-30/12/2016.

Bà ngoại của y cho biết tên này đã "thay đổi hoàn toàn" sau các chuyến ra nước ngoài.

Brenton Harrison Tarrant sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc cho tội danh giết người. Tên này không nộp đơn xin tại ngoại hoặc yêu cầu được giấu tên.

Đối tượng sẽ bị tạm giam cho đến ngày 5/4, trong khi chờ thêm nhiều cáo buộc khác.

Hiện các danh tính nạn nhân chưa được công bố nhưng có nhiều người nước ngoài quốc tịch Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... được cho là có mặt tại các nhà thờ khi hai vụ xả súng xảy ra.

Dự kiến, việc trao trả thi thể các nạn nhân cho gia đình của họ sẽ được hoàn tất vào ngày 20/3 tới.

Thủ tướng Ardern cũng yêu cầu các mạng xã hội giải trình về việc phát livestream các diễn biến của vụ xả súng.

Theo Facebook, mạng xã hội này đã dỡ bỏ 1,5 triệu video về vụ tấn công trên phạm vi toàn cầu trong vòng 24 giờ sau khi sự việc xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.