Nga có thể không thực hiện các hợp đồng khí đốt do bị áp giá trần

Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình và nếu nhận thấy tình trạng vi phạm các hợp đồng của Gazprom, Nga có quyền không tuân thủ các hợp đồng khí đốt.
Hoạt động khai thác dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye, miền Đông Izhevsk, gần vùng núi Ural, Liên bang Nga. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 22/12 tuyên bố nước này có quyền không tuân thủ các hợp đồng khí đốt nếu giá trần do các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) áp đặt vi phạm các hợp đồng này.

Tổng thống Putin nêu rõ Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình và nếu nhận thấy tình trạng vi phạm các hợp đồng của Gazprom, phía Nga "có quyền nghĩ đến việc liệu chúng ta có nghĩa vụ thực hiện các hợp đồng này hay không."

Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm dự kiến ngày 26/12 tới, ông sẽ ký sắc lệnh về các biện pháp đáp trả việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Theo ông, việc áp giá trần không gây thiệt hại ngân sách Liên bang Nga và các doanh nghiệp vì Nga đang bán dầu với giá tương đương như vậy.

Trước đó, ngày 9/12, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không bán các sản phẩm dầu mỏ của mình cho những nước đồng ý áp giá trần mặt hàng này và Chính phủ Nga đang chuẩn bị đáp trả động thái này.

EU đã nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng theo đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Biện pháp này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12.

[EU thống nhất mức giá trần khí đốt sẽ áp dụng từ giữa tháng 2 tới]

Đây được xem là một trong những biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine.

Liên quan vấn đề trên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/12 cho biết đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 10 thực thể thuộc Hải quân Nga. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến thăm Washington hôm 21/12.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các thực thể hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, vật liệu và kinh tế hàng hải của Nga, trong đó có Viện nghiên cứu Trung ương về vật liệu kết cấu Prometey, đơn vị mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là trung tâm nghiên cứu nguyên vật liệu lớn nhất ở Nga và là một trong những công ty hàng đầu của Nga tham gia đóng tàu hải quân và phát triển công nghệ quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục