Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa hai bên giao chiến Syria bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ ngày 30/12/2016 (giờ địa phương). Điều này không những đem lại ánh sáng hòa bình cho Syria, nơi đã bị chiến tranh giày xéo trong gần 6 năm qua, mà còn ảnh hưởng tới cục diện tình hình Trung Đông.
Xét về tình hình trong nước Syria, tuy hai bên giao chiến trước đó từng ít nhất hai lần đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng rất nhiều nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn lần này hoàn toàn khác với các lần trước, khả năng được duy trì trong thời gian dài là khá lớn.
Lý do là vì tquân đội Chính phủ Syria đã giành lại được thành phố Aleppo vốn được coi là thành trì của lực lượng nổi dậy, từ tay nhóm vũ trang đối lập. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã củng cố được vị thế, còn các phe đối lập rất khó khôi phục được lại như trước chiến dịch Aleppo.
Ngày 20/12, khi quân đội Chính phủ Syria sắp giành lại được Aleppo, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã hội đàm tại Moskva, nhất trí đồng ý tiếp tục chống tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Syria theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, triển khai cứu trợ nhân đạo, thúc đẩy ngừng bắn giữa Chính phủ và nhóm vũ trang đối lập Syria, cuối cùng giải quyết khủng hoảng thông qua đàm phán chính trị.
Cuộc hội đàm này là khúc dạo đầu khiến thỏa thuận ngừng bắn được thực thi.
Với việc can thiệp quân sự vào cuộc chiến tranh ở Syria, Nga đã củng cố được sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực Trung Đông, hơn nữa có thể dự đoán Nga sẽ lấy Syria làm điểm tựa, tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng và tiếng nói của mình tại khu vực này.
Dựa vào việc thúc đẩy hai bên giao chiến tại Syria đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã thể hiện được quyết tâm trở thành nước lớn trong khu vực của mình.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng tăng cường sức mạnh gắn kết ở trong nước và xa lánh dần các nước phương Tây trong chính sách đối ngoại. Nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ giữ gìn lợi ích và phát huy tầm ảnh hưởng của mình trên vấn đề Syria.
Còn Iran mấy năm qua ngày càng chú trọng thực tế trong chính sách ngoại giao. Tuy các nước phương Tây và một số nước Arab nhiều lần cáo buộc Iran can thiệp quân sự vào tình hình Syria và Yemen nhằm khống chế hai nước Arab này, nhưng Iran luôn nỗ lực tránh xảy ra xung đột trực tiếp với các nước phương Tây và vùng Vịnh.
Bên cạnh đó, để bảo vệ lợi ích bản thân, Chính phủ Iran đã mạnh dạn tiến hành đấu tranh với các nước phương Tây như Mỹ…từ đó giành được sự ủng hộ của người dân trong nước và người dân một số nước Trung Đông.
Song hành với thất bại trong vấn đề Syria, tầm ảnh hưởng của các nước phương Tây tại Trung Đông cũng tiếp tục bị suy yếu. Các nhà quan sát phương Tây thậm chí nêu rõ, cơ bản không thấy bóng dáng các nước phương Tây trong quá trình đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên giao chiến tại Syria.
Có phương tiện truyền thông phương Tây phải thốt lên rằng, Mỹ không những không đưa ra được giải pháp khả thi và thiết thực cho vấn đề Syria và các vấn đề Trung Đông khác, mà cách làm “dùng xong thì bỏ” mà Mỹ áp dụng từ trước đến nay đối với các đồng minh đã làm cho các đồng minh cũ và mới đau lòng, trong khi cách làm của Nga có hiệu quả hơn./.