Nga dự kiến ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm 2025

Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine năm 2023 - chỉ bằng 8% so với năm 2018-2019, thời điểm lượng khí đốt do Nga chuyển tới châu Âu qua nhiều tuyến khác nhau đạt đỉnh.

Hệ thống đường ống tại mỏ khí đốt Bovanenkovo của Nga trên bán đảo Yamal ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hệ thống đường ống tại mỏ khí đốt Bovanenkovo của Nga trên bán đảo Yamal ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một nguồn tin thân cận, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang lên kế hoạch cho năm 2025 dựa trên giả định sẽ không còn vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine sau ngày 31/12.

Kế hoạch này hiện chưa được ban lãnh đạo cấp cao của Gazprom phê duyệt.

Kế hoạch dự kiến xuất khẩu khí đốt của Nga sang "những nước xa xôi" - thuật ngữ dùng để chỉ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và không bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ - sẽ giảm 20% vào năm 2025, từ mức hơn 49 tỷ m3 dự kiến trong năm nay xuống dưới 39 tỷ m3 do ngừng sử dụng tuyến đường ống qua Ukraine.

Nguồn cung khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) qua Ukraine hiện ở mức tương đối thấp.

Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine vào năm 2023 - chỉ bằng 8% so với hồi năm 2018-2019, thời điểm lượng khí đốt do Nga chuyển tới châu Âu qua nhiều tuyến khác nhau đạt đỉnh.

Phía Chính phủ Ukraine đã tuyên bố muốn chấm dứt thỏa thuận trung chuyển trên, đặt dấu chấm hết cho hơn nửa thế kỷ dòng chảy khí đốt đi từ Siberia đến các thị trường Trung Âu.

Đây vốn là một nguồn thu ngân sách ổn định cho Nga kể từ thời Liên Xô cũ. Mặc dù Ukraine khẳng định không xem xét gia hạn thỏa thuận mang lại khoản phí lên tới 1 tỷ USD mỗi năm, phía Nga lại phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán và tiếp tục vận chuyển khí đốt qua tuyến đường này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố Moskva sẵn sàng tiếp tục bơm khí đốt cho châu Âu qua Ukraine.

Từ vị thế là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên số một của châu Âu trước khi xung đột với Ukraine bùng phát, Nga đã mất gần như toàn bộ khách hàng tại đây do EU nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Vụ nổ đường ống Nord Stream tới Đức vào năm 2022 cũng tác động đáng kể tới quan hệ mua bán năng lượng giữa EU và Nga, khiến châu Âu dần phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung khí đốt của Mỹ. Mức tiêu thụ khí đốt của EU đã giảm xuống còn 295 tỷ m3 vào năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....